Chiều 4/11, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đặt câu hỏi thời gian gần đây, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng, mua bán... và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra, khởi tố.
Đại biểu nêu vấn đề ở đây là tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của bị hại. Như vậy, có vẻ như bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt để cho những kẻ xấu này khai thác.
Nội dung này đang gây hoang mang và bức xúc trong nhân dân, vì vậy đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình và giải pháp khắc phục, ngăn chặn?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhiều cuộc gọi đến biết rõ thông tin người dân, việc này xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là nguyên nhân kỹ thuật. Một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn nên bị hacker tấn công và lấy cắp được dữ liệu.
Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam có đến 1.300Gb, tính ra bằng hàng tỉ thông tin.
Bên cạnh đó, người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân, chưa coi là tài sản cần bảo vệ. Một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém, để cho nhân viên lấy thông tin của khách hàng bán ra bên ngoài.
Bộ đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có nội dung quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ thông tin của mình; xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Hiện nay, có 120 triệu thực thể thông tin người dân có thể tra cứu, để biết xem mình có bị lộ lọt thông tin không.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, một trong những giải pháp rất tốt là yêu cầu các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết cử tri bức xúc với tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng số. Hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục thường xuyên xuất hiện trên các thiết bị, một số nội dung, hình ảnh chưa được quản lý, cấp phép chặt chẽ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng quảng cáo xuất hiện không theo mong muốn xuất hiện rất phổ biến trên các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, YouTube. Đây là thuật toán lựa chọn đối tượng của nền tảng và rất khó để cơ quan quản lý phát hiện vì “quảng cáo người A nhìn thấy nhưng người B không nhìn thấy”. Việc báo cáo cơ quan chức năng cũng khó khăn khi người dân không lưu lại được bằng chứng.
Ông đề nghị người dân khi nhìn thấy quảng cáo này hãy chụp ảnh màn hình để gửi đến cơ quan chức năng của Bộ TT&TT xử lý. Ông Hùng cũng thông tin, sau quá trình rà soát thời gian qua, Bộ đã yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên nền tảng YouTube. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện thể chế để xử lý nội dung này.
Ông Hùng cũng cho rằng, thời gian gần đây có tình trạng một số nhãn hàng cắt ghép các bản tin của đài, báo, làm thành các đoạn quảng cáo thực phẩm chức năng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, Bộ sẽ tổng hợp hồ sơ các nhãn hàng sai phạm, gửi cho Bộ Công Thương, Bộ Y tế để phối hợp xử lý.
Link nội dung: https://biztoday.vn/lo-lot-thong-tin-ca-nhan-cho-den-ban-du-lieu-viet-nam-co-den-1300gb-407811.html