Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, 19.052 căn nhà trong các dự án ở TP.HCM đã được cấp sổ hồng, đạt hơn 82% so với mục tiêu đề ra là 23.000 căn (chỉ tiêu là 20.000 và phấn đấu cấp thêm 3.000 căn).
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã ban hành 66 văn bản thẩm định đủ điều kiện cấp sổ hồng cho người mua nhà trong dự án. Theo đó, dự kiến có thêm 15.777 căn nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng, gồm 13.052 căn hộ, 2.402 căn nhà ở thấp tầng và 323 cửa hàng, văn phòng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng thừa nhận nhiều người dân bức xúc vì chưa được cấp sổ hồng căn hộ chung cư. Trong giai đoạn 2022-2025, cơ quan chức năng sẽ giải quyết dứt điểm 50.000 căn còn tồn đọng vấn đề này.
Thực tế, thời gian qua, hàng chục dự án chung cư tại TP.HCM với khoảng 50.000 căn hộ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua. Sổ hồng là căn cứ pháp lý quan trọng của tài sản bất động sản, đặc biệt là căn hộ chung cư. Do vậy, các dự án bàn giao lâu năm nhưng không cấp sổ hồng khiến nhiều cư dân thấp thỏm lo âu.
Anh Trần Hào (43 tuổi) là cư dân dự án 8X Thái An (phường 14, quận Gò Vấp) do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 3.600 m2, đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016. Nhưng từ đó tới nay, UBND TP.HCM vẫn chưa duyệt giá đất, do vẫn đang xem xét điều chỉnh quyết định chuyển mục đích để xác định có hay không nghĩa vụ tài chính phát sinh, dẫn tới thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân bế tắc.
"Cư dân chúng tôi nhiều lần phản ánh, yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước để cấp sổ hồng cho cư dân", anh Hào cho hay.
Thực tế hiện nay, hàng loạt dự án căn hộ chung cư tại TP.HCM đang chậm tiến độ cấp sổ hồng cho cư dân. Có thể kể đến như: chung cư Kim Tâm Hải (đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12), chung cư Residence (phường An Phú, TP.Thủ Đức), chung cư Him Lam Phú An (TP.Thủ Đức)…
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp này có 13 dự án với 8.791 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, hầu hết vướng mắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất. Những tắc nghẽn này hiện nằm ở Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Ông Dũng dẫn chứng tại chung cư Lavita Garden (TP.Thủ Đức), khi thủ tục thẩm định giá đất được triển khai từ cuối năm 2015, Sở TNMT đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM, song đến nay vẫn chưa được thông qua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, 19.052 căn nhà trong các dự án ở TP.HCM đã được cấp sổ hồng, đạt hơn 82% so với mục tiêu đề ra là 23.000 căn (chỉ tiêu là 20.000 và phấn đấu cấp thêm 3.000 căn).
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã ban hành 66 văn bản thẩm định đủ điều kiện cấp sổ hồng cho người mua nhà trong dự án. Theo đó, dự kiến có thêm 15.777 căn nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng, gồm 13.052 căn hộ, 2.402 căn nhà ở thấp tầng và 323 cửa hàng, văn phòng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng thừa nhận nhiều người dân bức xúc vì chưa được cấp sổ hồng căn hộ chung cư. Trong giai đoạn 2022-2025, cơ quan chức năng sẽ giải quyết dứt điểm 50.000 căn còn tồn đọng vấn đề này.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM hiện còn 3 nhóm dự án chưa được cấp sổ hồng. Đó là các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; dự án xây dựng xong nhưng chưa được nghiệm thu do có hạng mục xây dựng sai so với giấy phép; chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận với ngân hàng. Đối với 2 nhóm dự án đầu, thành phố tập trung tháo gỡ hằng tuần.
Theo quy định, chủ đầu tư có thể thế chấp dự án để lấy nguồn vốn tổ chức xây dựng nhưng phải bảo đảm khi xây xong phải giải chấp ở ngân hàng và nộp hồ sơ cấp sổ hồng. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề nghị sớm giải chấp để nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước.
Ông Thắng cho biết quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là giải quyết, cấp sổ hồng cho 3 nhóm chung cư này trong năm 2022 và 2023, nếu đủ điều kiện. Các trường hợp còn lại (do có sai phạm) phải được xử lý xong mới cấp. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ phối hợp với Chi cục Thuế các quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy nhanh việc xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đến nay có những dự án hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất, nên không thể cấp sổ hồng cho người mua. TP.HCM đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với doanh nghiệp, người dân để giải quyết vấn đề này nhưng việc vẫn bế tắc. Có điểm chung là hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xin được cấp sổ hồng rất chậm đều được giải quyết.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng tại các chung cư bị chậm là vướng mắc trong xác định tiền sử dụng đất. Vừa qua, Hội đồng thẩm định giá đất đã có đề xuất với UBND TP.HCM phương thức tính tiền sử dụng đất nên áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Nếu áp dụng được hệ số K này thì việc tính tiền sử dụng đất đang kéo dài 3-5 năm chỉ còn 10-15 ngày làm việc. Điều này liên quan đến việc phải sửa đổi khoản 2 điều 18 Nghị định 44 năm 2014 của Chính phủ.
HoREA kiến nghị Chính phủ giao toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất phù hợp với điều kiện của địa phương và hệ số K. Nếu những điều này được thông qua, việc tính tiền sử dụng đất sẽ được triển khai nhanh chóng, dễ dàng hơn. Từ đó công tác cấp sổ hồng tại các chung cư cũng đẩy nhanh hơn rất nhiều so với hiện nay.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-khan-hiem-du-an-chung-cu-cap-so-hong-dung-tien-do-407940.html