VN-Index không trụ vững mốc 1.000, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần đầu tháng 11

Cổ phiếu Hòa Phát giảm gần 13% trong tuần và là một trong hai cổ phiếu kéo VN-Index giảm điểm nhiều nhất tuần qua.

VN-Index lùi về dưới mốc 1000 điểm, tội đồ cổ phiếu bất động sản

Cú rơi sâu trong phiên thứ Sáu (4/11) trên cả ba chỉ số đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giao dịch tiêu cực nhất trong các sàn chứng khoán. Tính chung cả tuần, mức giảm của VN-Index cũng xếp thứ 3, chỉ sau chỉ số S&P500 và Nasdaq. Ở chiều ngược lại, các chỉ số chứng khoán tại Hồng Kông, Thượng Hải hay Hàn Quốc lại ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong tuần bất chấp quyết định nâng lãi suất điều hành thêm 75 điểm lần thứ 4 liên tiếp của Cục dự trữ liên bang Mỹ.

VN-Index đóng cửa tuần đầu tiên của tháng 11 ở mức 997,2 điểm, giảm 30,21 điểm (-2,94%) so với cuối tuần trước. HNX-Index và UPCOM-Index cũng lần lượt giảm 4,29% và 2,4%,

Ngoài cùng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, theo khối phân tích Chứng khoán VNDirect, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch kém tích cực do nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực bán mạnh sau khi cơ quan chức năng cảnh báo thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tới trong bối cảnh ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng cho bất động sản và lãi suất tăng. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh tuần qua do hoạt động tái cơ cấu danh muc của các quỹ ETF.

“Tội đồ” góp nhiều điểm giảm nhất VN-Index và HNX-Index tuần qua lần lượt là cổ phiếu của Novaland và Idico. NVL giảm 17,4% trong tuần với 2 phiên giảm sàn, đóng góp 5,82 điểm giảm trong tổng mức giảm hơn 30 điểm của VN-Index. IDC giảm 8,4% và góp gần 0,95 điểm giảm.

Top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực tới VN-Index tuần này còn có HPG, MWG, BCM cùng 2 cổ phiếu ngân hàng là EIB và ACB. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều đại diện từ nhóm nhà băng lại là các trụ cột nâng đỡ chỉ số tuần qua. VPB, TCB, CTG, MSB, VCB hay MBB đều nằm trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chung. Tại nhiều phiên giao dịch, cổ phiếu ngân hàng kéo chỉ số, ngay cả ở phiên rơi sâu ngày thứ Sáu.

Khối ngoại bán ròng 519 tỷ đồng, bán nhiều nhất cổ phiếu HPG

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 11.731 tỷ đồng/phiên (-7.3% sv tuần trước). Trong đó, giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt 10.607,28 tỷ/phiên, giảm 7,27% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân sàn HNX giảm 9,19% xuống còn xấp xỉ 787,70 tỷ/phiên.

Khối ngoại bán ròng 519 tỷ đồng trên ba sàn. Đây là tuần bán ròng thứ hai liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. Điểm tích cực là đà bán ròng đã thu hẹp và mua ròng riêng trên hai sàn HNX và UPCoM. Cùng đó, lực bán chủ yếu xuất hiện tại cổ phiếu Hòa Phát. Chỉ riêng HPG, khối ngoại đã bán ròng tới 1.139 tỷ đồng. Một số mã chứng khoán khác cũng bị nhóm này rút mạnh là KBC (293 tỷ đồng), VIC (85 tỷ đồng), HDB (74 tỷ đồng)… Ngược lại, một số cổ phiếu vẫn hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài như chứng chỉ quỹ ETF nội FUESSVFL (283 tỷ đồng), VHM (218 tỷ đồng) hay VNM (172 tỷ đồng).

Tài sản chứng khoán của Chủ tịch Hòa Phát “bốc hơi” 3.260 tỷ đồng

Áp lực bán từ khối ngoại ròng rã 14 phiên gần đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến giá cổ phiếu chưa thấy tín hiệu hồi phục. Kết quả kinh doanh quý III chịu tác động tiêu cực từ diễn biến giá thép cùng tỷ giá USD cũng tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Cổ phiếu HPG tiếp tục giảm 12,8% trong tuần đầu tiên của tháng 11 và về mức thấp nhất hai năm. Giá trị tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát bao gồm gần 1,52 tỷ cổ phiếu HPG đã xuống dưới mốc 1 tỷ USD. Với mức xấp xỉ 22.214 tỷ đồng, giá trị tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long chỉ còn nhỉnh hơn bà Nguyễn Thị Phương Thảo 600 tỷ đồng.

UBCKNN mạnh tay xử phạt hành vi thao túng giá, phát hành riêng lẻ không báo cáo...

Tuần qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều quyết đinh xừ phạt đối với các thành viên thị trường, bao gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cả các tổ chức trung gian.

Đáng chú ý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết bà Vũ Thị Ngọc Ánh đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã chứng khoán DAH), tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DAH. Việc thao túng cổ phiếu không có số lợi bất hợp pháp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Vũ Thị Ngọc Ánh. Theo đó, bà Ánh bị phạt tiền 550 triệu đồng.

UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng TSG. Công ty này chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ trong đợt phát hành năm 2021 để tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng nhưng không đăng ký với UBCKNN. Công ty phải nộp phạt 250 triệu đồng và phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Không riêng đợt phát hành riêng lẻ năm 2021, TSG còn thực hiện 02 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông (đợt phát hành năm 2017 để tăng vốn từ 12 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng; đợt phát hành năm 2019 để tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng) nhưng không đăng ký với UBCKNN. Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng TSG phải thu hồi cổ phiếu đã chào bán và phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Cùng đó, TSG còn nhận án phạt hành chính 60 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với một loạt báo cáo. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng TSG đã báo cáo không đúng thời hạn báo cáo tài chính quý của năm 2020 và 2021; báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và 2021; báo cáo tài chính quý I và II//2022; báo cáo thường niên năm 2020, năm 2021; cùng các nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, năm 2022 và các báo cáo tình hình quản trị công ty.

Đối với tổ chức trung gian, UBCKNN tuần qua đã ban hành Quyết định số 791/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt với số tiền phạt 150 triệu đồng. Nguyên nhân bởi Chứng khoán Trí Việt đã cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.

UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần quản lý quỹ BVIM với tổng số tiền phạt là 145 triệu đồng. Trong đó, BVIM bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin về việc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 và cũng công bố không đúng thời hạn về việc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Cơ quan quản lý còn phạt tiền 60 triệu đồng do không ban hành đầy đủ các quy trình nội bộ, quy trình nghiệp vụ. Cụ thể, Công ty cổ phần quản lý quỹ BVIM không ban hành quy trình tư vấn đầu tư chứng khoán; sổ tay định giá; quy trình về điều kiện, trình tự, thủ tục triệu tập, thể thức tiến hành họp và thông qua Quyết định tại Đại hội nhà đầu tư áp dụng chung cho các quỹ, Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán.

Link nội dung: https://biztoday.vn/vn-index-khong-tru-vung-moc-1000-khoi-ngoai-tiep-tuc-ban-rong-trong-tuan-dau-thang-11-409019.html