Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá phương án 2 được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất (xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225 km/h) là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số kỹ thuật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu và xem xét kỹ về tính khả thi của dự án.
Giải thích điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biếtt năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam hiện có sự mất cân đối lớn. Thị phần vận tải đường sắt chiếm 6% khách và 1,4% hàng hóa, thấp hơn rất nhiều so với đường bộ (72% khách và 59% hàng); đường thủy (40% hàng; hàng không 22% khách).
Sự chiếm ưu thế của vận tải đường bộ làm phát sinh các hệ lụy đối với nền kinh tế xã hội như gây ra ùn tắc, nguy cơ tai nạn, xâm hại môi trường dẫn đến sự tiêu hao lớn về nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng tới sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa và của nền kinh tế.
“Do đó, cần thiết phải thực hiện đầu tư một tuyến đường sắt mới, tốc độ cao, vận tải khách và hàng trên trục Bắc - Nam, để hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Trên cơ sở tham khảo các kết quả nghiên cứu và ý kiến các bên liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lựa chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng.
Quy mô đầu tư khổ đường đôi 1.435 mm, khai thác hỗn hợp; tốc độ thiết kế tối đa 250 km/h cho tàu khách và tàu hàng cao tốc, 180 km/h cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container; tiêu chuẩn châu Âu.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.508,6 km (điểm đầu Ngọc Hồi, điểm cuối Thủ Thiêm).
Trên tuyến đường sắt dự kiến bố trí 50 ga hành khách (6 ga của tàu cao tốc, 44 ga cho tàu liên vùng) và 20 ga hàng hóa. Công nghệ cho đoàn tàu là động lực phân tán (EMU), hệ thống thông tin, tín hiệu là ETCS cấp 2 hoặc tương đương.
Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân (PPP).
Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam.
- Phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435 mm (hiện là khổ đơn 1.000 mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, tàu hàng tối đa 120 km/h với quy mô đầu tư khoảng 42 tỷ USD.
Phương án này nhằm tận dụng một phần hạ tầng hiện hữu như quỹ đất, kho bãi, mặt bằng, các doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp cận công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa cao.
- Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.
Ưu điểm của kịch bản này là hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới; vận tải hàng hóa trên cả khổ đường 1.000 mm và khổ 1.435 mm.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thong-nhat-nghien-cuu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-250-kmh-409063.html