Ngày 7/11, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ 4.
Trong phiên buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Năng lực chủ thầu còn hạn chế
Theo ông Dũng, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này bởi quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Bên cạnh đó, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành Luật này.
Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là khi phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách...
Các quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có các điều kiện mua sắm đặc thù hoặc mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình, dự án có quy mô lớn, cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Quy định về phương pháp đánh giá chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ, công trình có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng cũng chỉ ra công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế. Trong đó, hành vi "thông thầu", "gian lận"... vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, quy định về các hành vi bị cấm chưa đầy đủ, chưa bao quát được hết các vi phạm xảy ra trong thực tế. Cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa bảo đảm tính khách quan, hiệu quả…
Làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ
Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn...
Dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 18) và sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về hủy thầu (Điều 17) với việc trao nhiều quyền hạn cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư.
Do đó, đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.
Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu.
“Cần quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu”, ông Cường nêu.
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, với đấu thầu hạn chế (Điều 20) đề nghị làm rõ nội hàm “yêu cầu cao và tính đặc thù”, để tránh tùy tiện và lạm dụng khi thực hiện.
Đối với chỉ định thầu, Dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu. Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.
Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.
Tại điểm b khoản 1 dự thảo Luật quy định “gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân” đề nghị làm rõ là trong trường hợp đã công bố dịch hay tình trạng khẩn cấp về dịch theo pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm thuận lợi cho quá trình áp dụng.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, ông Cường cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thong-thau-gian-lan-trong-dau-thau-van-dien-bien-phuc-tap-tinh-vi-409117.html