Thành Biên Group "hiểu biết hạn chế", 500 học sinh Hòa Bình chưa biết học ở đâu?

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê

Sai phạm trong sử dụng tài sản công

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, năm 2018 Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc đã ký hợp đồng phối hợp đào tạo văn hóa phổ thông với trường Phổ thông liên cấp Sao Mai (thuộc Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên – Thành Biên Group).

Hợp đồng nguyên tắc số 46/HĐNT/CĐVHNTTB-THÀNH BIÊN được ký vào ngày 17 tháng 5 năm 2018 và có thời hạn lên đến 10 năm. (gọi tắt là Hợp đồng 46)

Việc ký hợp đồng phối hợp đào tạo này của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai có dấu hiệu trái luật. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc phải có báo cáo giải trình với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

truong-lien-cap-sao-mai-va-truong-cao-dang-van-hoa-nghe-thuat-tay-bac-1667807178.jpg

Trường liên cấp Sao Mai và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc chung 1 trụ sở. Ảnh: LC

Ngày 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 5294/BVHTTDL-KHCT nêu rõ việc ký Hợp đồng 46 là việc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công để cho thuê, phối hợp đào tạo.

Đến thời điểm tháng 8/2022, Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Do vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng việc triển khai của Hợp đồng 46 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc là chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước và yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường quản lý tài sản công.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê.

Như vậy, có thể thấy, việc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho Trường phổ thông liên cấp Sao Mai sử dụng trụ sở là thực hiện chưa đúng các quy định của Nhà nước.

Sau kết luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 08/9/2022, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc đã có thông báo số 541/TB-CĐNTTB về việc chấm dứt hợp đồng liên kết đào tạo văn hóa phổ thông với Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên.

Theo đó, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc nhận thấy Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên đã không thực hiện các điều khoản đã ký trong hợp đồng trong đó có việc “chưa thực hiện tổ chức đào tạo và cấp văn bằng văn hóa phổ thông cho các đối tượng học sinh theo học nghệ thuật của Trường”.

Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc.

Do vậy, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên từ ngày 08/8/2022.

Ông Nguyễn Minh Cường - quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho biết nhiều năm nay Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Đến ngày 19/9/2022, hai bên đã có biên bản xác nhận công nợ và nghĩa vụ tài chính được hai bên xác định thành cụm từ “Tiền hỗ trợ chống xuống cấp” số tiền còn lại mà Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên phải thanh toán là hơn 195 triệu đồng.

Sau câu chuyện cho thuê trụ sở trái quy định của Nhà nước về tài sản công của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, gần 500 học sinh và gần 100 giáo viên – nhân viên công tác tại Trường phổ thông liên cấp Sao Mai sẽ đi về đâu?

Cả Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp "hiểu biết còn nhiều hạn chế"

Sau khi bị chấm dứt Hợp đồng 46 và chốt công nợ, ngày 20/9/2022, Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên đã có văn bản báo cáo về việc thực hiện hợp tác giáo dục đào tạo phổ thông liên cấp.

Trong văn bản, doanh nghiệp này nêu: "Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân lại làm công tác giáo dục nên hiểu biết còn nhiều hạn chế, nên chưa rõ về Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của chính phủ quy định chi tiết một số điều luật về quản lí sử dụng tài sản công và Công văn số: 1084/BVHTTDL-KHTC ngày 31/3/2022 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lí về tài sản công.

Vì vậy chúng tôi rất mong muốn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh hoặc cho thuê của Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc.

ban-sao-van-ban-cua-uy-ban-nhan-dan-tinh-hoa-binh-gui-bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-1667807229.jpg

Bản sao văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: LC

Chúng tôi xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Bộ, trước Pháp luật về việc sử dụng tài sản công khi được Bộ phê duyệt đề án, nếu Bộ chấm dứt dừng ngay và luôn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của nền giáo dục tỉnh Hoà Bình và 500 học sinh không có chỗ học, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an sinh, xã hội và gây hoang mang cho các em ở độ tuổi vị thành niên và gia đình các em.

Kinh đề nghị Bộ văn hoá thể thao cho chúng tôi tiếp tục hợp tác với Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ Thuật Tây Bắc đến khi hết hạn 10 năm hợp đồng hoặc đủ thời gian chúng tôi đầu tư xây dựng một trường học mới cho học sinh.

Chúng tôi tha thiết đề nghị bằng mọi giá cho chúng tôi tồn tại để hồi sinh sau Covid 19, vì bây giờ chúng tôi đã khánh kiệt nội lực, mong Trường thoát hiểm bằng tinh thần của sức trẻ cho mọi thứ trở lại cuộc sống an lành”.

Việc hợp tác giữa Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc và Công ty cổ phần điện tử Viễn thông Thành Biên có dấu hiệu trái quy định về quản lý tài sản công của Nhà nước.

van-ban-cua-so-giao-duc-va-dao-tao-hoa-binh-1667807261.jpg

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình. Ảnh: LC

Tuy nhiên, điều lạ lùng là ngày 24/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình lại có công văn số 1851/UBND-NVK gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị hỗ trợ Công ty cổ phần điện tử Viễn thông Thành Biên hợp tác phát triển giáo dục phổ thông liên cấp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc.

Trước đó, ngày 19/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã có văn bản số 3044/SGD&ĐT-KHTC gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, theo văn bản này Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo đề xuất của Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao, một doanh nghiệp có "hiểu biết hạn chế”, thuê trụ sở trái quy định của nhà nước, chây ỳ nghĩa vụ tài chính, vi phạm hợp đồng đào tạo lại được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có nhiều văn bản đề nghị tạo điều kiện đến vậy?

Trường phổ thông liên cấp Sao Mai được thành lập theo Quyết định số 1268/QĐ-UBND ngày 25/5/2018. Đến ngày 25/7/2018, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình lúc đó là ông Bùi Trọng Đắc đã ký văn bản số 2123/QĐ – SGD&ĐT Quyết định cho phép hoạt động giáo dục Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Trước đó, ngày 17/5, Công ty Cổ phần Điện tử Viễn thông Thành Biên và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 46/HĐNT/CĐVHNTTB-THÀNH BIÊN. Theo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc mang trụ sở cho thuê, kinh doanh hợp tác không phù hợp với quy định của Nhà nước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/thanh-bien-group-hieu-biet-han-che-500-hoc-sinh-hoa-binh-chua-biet-hoc-o-dau-409225.html