Hoài Đức- Hà Nội: Liệu có 'quy hoạch nhầm' tại CCN Lại Yên? (Bài 2)

Khá bất ngờ khi Đại diện Cty Sungshin Vina nói không biết có Quyết định số 4756/QĐ-UBND thành lập CCN Lại Yên ngày 20/7/2017 của UBND TP Hà Nội. Tất nhiên, trong đó không có danh mục sản xuất bê tông.

Quy hoạch một đằng, sản xuất một nẻo

Tiếp tục triển khai chuyên đề "Cụm công nghiệp Lại Yên - Hoài Đức: Thực trạng và giải pháp", mới đây, Nhóm PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có buổi làm việc với đại diện Công ty Sungshin Vina (Doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài) và là một trong những đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm lớn nhất tại CCN Lại Yên.

Trong quá trình làm việc, Công ty Sungshin Vina cung cấp đầy đủ các thủ tục pháp lý từ chứng nhận đầu tư, ĐTM, PCCC và cả kết quả quan trắc môi trường theo quy định.

 Trạm trộn bê tông của Cty Shungshin Vina.

Trạm trộn bê tông của Cty Shungshin Vina.

Tuy nhiên, khi PV trao đổi với bà Thái Thị Ngọc Phượng, Giám đốc bộ phận quản lý của công ty về Quyết định số 4756/QĐ-UBND thành lập CCN Lại Yên ngày 20/7/2017 của UBND TP Hà Nội thì bà Phượng tỏ ra khá bất ngờ: "Công ty chúng tôi không biết có quyết định này và cũng không thấy cơ quan chức năng nào phổ biến hay nhắc tới".

Sau khi cung cấp Quyết định số 4756/QĐ-UBND cho phía công ty và theo khoản 8, điều 1 quyết định này nêu khá rõ ràng: tính chất, chức năng của CCN: Phát triển công nghiệp (chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, bao bì, dệt may, cơ khí, hương…) mà không hề nhắc tới sản xuất bê tông.

Cũng phải nói thêm rằng nhiều doanh nghiệp trạm trộn bê tông tại CCN Lại Yên có mặt trước khi có Quyết định số 4756/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của UBND TP. Hà Nội, mà Công ty Sungshin Vina là một đơn vị như thế.

Câu hỏi đặt ra là dù biết CCN Lại Yên là "thủ phủ trạm trộn bê tông" nhưng UBND huyện Hoài Đức vẫn có tờ trình số 62/TTr-UBND ngày 01/7/2016 và Sở Công Thương có tờ trình số 2500/TTr-SCT ngày 26/5/2017 về việc thành lập CCN Lại Yên.

Tuy nhiên, 2 cơ quan trên có lẽ đã “quên” đưa nội dung này vào tờ trình hoặc cũng có thể trạm trộn bê tông không nằm trong quy hoạch. Điều này vẫn chưa được các cơ quan chức năng lý giải cụ thể.

Võ đoán hơn là khi biết các doanh nghiệp sản xuất bê tông không nằm trong chức năng, danh mục ngành nghề được phép hoạt động trong CCN nhưng các cơ quan quản lý nhà nước đã không thông báo cho các doanh nghiệp, bố trí vị trí để di dời đảm bảo theo quy định.

Trên thực tế có những đơn vị được TP.Hà Nội phê duyệt đầu tư lên đến 40 năm từ năm 2010 như vậy phải đến năm 2050 mới hết hạn.

Câu chuyện trách nhiệm bị...bỏ ngỏ

Theo cán bộ địa chính xã Lại Yên thì hiện tại CCN Lại Yên đã được quy hoạch thành khu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, lộ trình, địa điểm và thời gian di dời đối với các doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động tại CCN đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Nhưng khi đoàn kiểm tra ngày 08/12/2020 vẫn áp đặt đề nghị: Yêu cầu công ty chấp hành nghiêm chỉnh văn bản của UBND huyện về việc tháo dỡ, di dời trạm trộn bê tông tại CCN Lại Yên.

 Các trạm trộn bê tông buộc phải di dời khỏi CCN theo chỉ đạo của TP.Hà Nội.

Các trạm trộn bê tông buộc phải di dời khỏi CCN theo chỉ đạo của TP.Hà Nội.

Còn ý kiến của công ty cũng rất chung chung: Nhất trí và thực hiện ý kiến của đoàn kiểm tra, tuy nhiên hiện nay công ty chưa tìm được vị trí để di dời trạm trộn, trong năm 2021 công ty sẽ di dời theo chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức. Tất nhiên, đến nay đã gần hết năm 2022 vẫn chưa thấy một đơn vị nào di dời, trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương. Vậy trách nhiệm của những người ra quyết định di dời này ở đâu. Các vị "bút sa" có bị xử lý và xử lý ra sao?

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp của chính quyền các cấp cũng có nhiều vấn đề. Chính quyền xã không được tham gia trực tiếp vào công tác quản lý nên chỉ phối hợp với UBND huyện và các cơ quan chức năng đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị di dời theo chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức. Đặc biệt là đối với các trạm trộn bê tông vì cho dù nhiều lần tiếp nhận ý kiến của người dân, cử tri về tình trạng hoạt đông của các trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết: Mặc dù CCN Lại Yên nằm trên địa bàn và phục vụ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhưng UBND xã không được giao trách nhiệm quản lý nên rất khó cho việc kiểm tra, xử lý những tồn tại, vi phạm. Tất nhiên theo pháp luật quy định thì trách nhiệm của chính quyền địa phương không phải không liên quan.

 Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên.

Trong thời gian qua Nhóm PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan hữu quan để tìm hiểu thông tin về hoạt động của các CCN trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay đã 2 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi.

Những nội dung trên cũng khiến dư luận địa phương đặt ra những băn khoăn, nghi vấn liệu việc tồn tại hàng loạt trạm trộn bê tông tại CCN Lại Yên đã nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng, được giao nhiệm vụ vẫn không quyết liệt vào cuộc xử lý.

Đặc biệt là sau quyết định Quyết định số 4756/QĐ-UBND thành lập CCN Lại Yên ngày 20/7/2017. TP.Hà Nội đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cơ quan và chính quyền địa phương. Phải chăng, việc để tồn tại hàng loạt trạm trộn bê tông trong khu vực đã được quy hoạch có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm bởi đến thời điểm hiện tại chính quyền địa phương chỉ kiểm tra cho có.

Cử tri địa phương đề nghị TP.Hà Nội cùng các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những tồn tại tại CCN Lại Yên. Cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ khi để xảy ra những vi phạm theo các quy định pháp luật cũng như quy định tại điều 17 về trong đầu tư, xây dựng và điều 21 về đất đai, nhà ở tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của BCH TW Đảng.

Theo PGS. TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Rõ ràng, các vi phạm xảy ra ở CCN Lại Yên cần kiểm tra kỹ hơn để quy trách nhiệm người vi phạm. Theo những gì phản ánh thì trước hết phải xem cơ quan nào, người nào cho phép các trạm trộng bê tông hoạt động. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm chính cho vi phạm này. Tôi cho rằng phải có sự cho phép của các cơ quan quản lý CCN thì các trạm này mới có thể hoạt động trong thời gian dài như vậy. Nếu UBND huyện Hoài Đức ký cho phép thì họ sẽ chịu trách nhiệm chính, nếu không ký nhưng không kiểm tra để cho các cơ quan khác cho phép thì UBND huyện Hoài Đức cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/hoai-duc-ha-noi-lieu-co-quy-hoach-nham-tai-ccn-lai-yen-bai-2-409297.html