Ảnh minh họa.
NĐT tìm cách bảo toàn vốn
Việc giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm một phần có nguyên nhân từ mức độ giảm giá cổ phiếu (CP). Và đợt lao dốc hiện tại đẩy hàng trăm CP giảm giá 30 - 50%, thậm chí tới 70%, khiến cho cùng một khối lượng giao dịch của CP đó ở thời điểm thị trường đạt đỉnh tạo nên giá trị lớn hơn nhiều, so với khối lượng đó giao dịch ở mức giá hiện tại. Đây là ảnh hưởng đơn giản nhất và dễ nhìn thấy nhất về con số giá trị giao dịch hàng ngày sụt giảm.
Tuy nhiên, mức chiết khấu giá nhiều cũng không thể khiến con số bốc hơi từ trên 30.000 tỷ đồng xuống còn 7.000 - 8.000 tỷ đồng/ngày được. Tiền đã thực sự không được đem vào giao dịch vì nhiều lý do. Thứ nhất, thị trường sụt giảm quá mạnh, nhiều lần thua lỗ khiến nhà đầu tư (NĐT) không muốn mua bán nữa. Việc đứng ngoài thị trường cũng được xem là một chiến lược giao dịch.
Thống kê từ báo cáo tài chính của 55 công ty chứng khoán (CTCK) do FiinTrade thực hiện tại thời điểm cuối tháng 9-2022, số dư tiền gửi của NĐT trong tài khoản chứng khoán là khoảng 72.500 tỷ đồng, tăng 2.400 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II-2022. Lượng tiền “nằm chờ” này cũng là khá lớn.
Thứ hai, thua lỗ quá nhiều nên khả năng vay mượn của NĐT trở nên hạn chế. Con số giao dịch khổng lồ hồi đầu năm có yếu tố đòn bẩy rất cao, khi hầu hết CTCK chạm giới hạn cho vay. Khi giá CP lao dốc thì khả năng đi vay cũng sẽ giảm xuống, do các CTCK định giá tài sản đảm bảo dựa trên giá CP trừ đi một khoảng dự phòng rủi ro.
Chẳng hạn năng lực vay của NĐT có 1 triệu CP thời điểm giá 100.000 đồng, rất khác so với 1 triệu CP đó giá giờ chỉ còn 40.000 đồng. Hạn chế năng lực sử dụng đòn bẩy và không dám sử dụng đòn bẩy trong giao dịch của rất nhiều NĐT cũng làm thanh khoản giảm.
Thứ ba, một nguồn tiền tạo thanh khoản đáng chú ý khác trên TTCK là khối tự doanh của các CTCK. Số liệu được công bố từ cuối tháng 5-2022, tức là sau giai đoạn thị trường bùng nổ thanh khoản khá xa (thời điểm tháng 1 đến 3-2022), nên khó so sánh và kết luận lượng vốn này sụt giảm như thế nào.
Tuy nhiên, chỉ nhìn vào mức bình quân giao dịch mua khớp lệnh hàng tuần của khối này cũng chỉ chiếm 1-2% tổng giá trị khớp lệnh của HoSE (số liệu từ tháng 6-2022), không làm thay đổi nhiều về quy mô thanh khoản chung. Dữ liệu này cũng tương tự đối với mức giải ngân của NĐT nước ngoài, tỷ trọng chỉ chiếm 5-7% giá trị khớp lệnh hàng ngày là khá nhỏ.
Tóm lại, với tỷ trọng được ước tính tới 80-85% giá trị giao dịch hàng ngày đến từ các NĐT cá nhân, việc TTCK sụt giảm thanh khoản có nguyên nhân quan trọng nhất là do nhóm NĐT này giảm giao dịch. Điều này liên quan đến đánh giá rủi ro, cơ hội trên thị trường.
Nguy cơ TTCK thật sự bị rút tiền mặt
Nếu như NĐT vẫn đang để tiền trong tài khoản chờ và việc giảm giao dịch chỉ do yếu tố thị trường, thì khi xu thế thay đổi thanh khoản sẽ phục hồi trở lại. Nhưng điều đáng ngại hơn là TTCK thật sự không hút thêm được dòng tiền mới mà lại thiếu hụt tiền do các nguyên nhân khác nhau, thì sẽ làm giảm cơ hội gia tăng thanh khoản ngay cả khi thị trường phục hồi.
Yếu tố đầu tiên là lượng NĐT mới gia nhập ngày càng giảm. Số lượng tài khoản cá nhân mở mới hàng tháng đang xuống thấp tương đương thời điểm đầu năm 2021. Lúc này nói đến đầu tư chứng khoán là cảm giác sợ hãi chứ không phải háo hức. Rất nhiều NĐT cá nhân đang chấp nhận trạng thái “ướp đông” tài khoản, nghĩa là không rút vốn được thì thôi, còn không có chuyện bỏ thêm tiền vào vì thua lỗ quá nhiều.
Yếu tố thứ hai là nguồn cho vay margin của các CTCK đang nằm ở các khoản cầm cố cho các đối tượng không giao dịch, chẳng hạn các ông chủ doanh nghiệp. Sự kiện mới nhất là ngày 27 đến 28-10 vừa qua với CP DIG, cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch bị giải chấp hàng triệu CP.
Điều này xác nhận các ông chủ doanh nghiệp không bao giờ để CP nằm chết trong tài khoản, mà được sử dụng làm tài sản đảm bảo lấy tiền mặt. Số liệu thống kê của FiinTrade cuối quý III-2022, dư nợ cho vay margin của 55 CTCK là 152.800 tỷ đồng, tăng 15.200 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II-2022. Con số này ngược với mức bán ròng 1.300 tỷ đồng của khối NĐT cá nhân trong quý III. Trong trường hợp TTCK khởi sắc, nhu cầu vay margin cho các giao dịch hàng ngày sẽ bị hạn chế.
Yếu tố thứ ba là nguồn tiền mặt của các NĐT cá nhân bị hao hụt quá nhiều qua các đợt phát hành dữ dội. Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 8 tháng năm 2022, tổng giá trị đăng ký phát hành CP của khối doanh nghiệp (không bao gồm CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán) lên tới 106.989 tỷ đồng, bằng 87% giá trị phát hành cùng kỳ năm 2021; tổng giá trị phát hành thực tế đạt 108.634 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó nghĩa là một lượng tiền mặt khổng lồ của các NĐT được chuyển thành vốn cổ phần của doanh nghiệp trong gần 2 năm qua.
Trong khi tiền bị rút đi, khả năng thu hút vốn mới lại mờ mịt - do triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, xem ra TTCK đang bước vào giai đoạn thoái trào. Đây là chu kỳ thường thấy.
Thí dụ giai đoạn bùng nổ NĐT mới năm 2006-2007, được nối tiếp bằng sự đìu hiu trong chu kỳ giá xuống kéo dài và dòng tiền cạn kiệt. Chỉ khi bước vào cao trào của một chu kỳ tăng trưởng kế tiếp như giai đoạn 2021-2022, mới thu hút được một lớp NĐT mới và dòng tiền mới.
Một trong những nguyên nhân dòng tiền sụt giảm trên TTCK là do thua lỗ quá nhiều nên khả năng vay mượn của NĐT trở nên hạn chế; con số giao dịch khổng lồ hồi đầu năm có yếu tố đòn bẩy rất cao, nhưng khi hầu hết CTCK chạm giới hạn cho vay vì giá CP lao dốc thì khả năng đi vay cũng sẽ giảm xuống do định giá tài sản đảm bảo dựa trên giá CP.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-sao-dong-tien-mat-hut-tren-ttck-409755.html