Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 3/2022, giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, hàng loạt dự án phải sử dụng đến chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại...
Đây là thời điểm rất khó khăn với những người có nhu cầu mua bất động sản mà không đủ tài chính, nhưng lại là cơ hội với các nhà đầu tư có nguồn lực vững mạnh để mua bất động sản tại những khu vực tiềm năng.
Ông Thành Luân, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đang xem một căn hộ có mức ưu đãi về thanh toán khá hấp dẫn để mua. So với gửi tiền tiết kiệm hay mua vàng, tôi quyết định lựa chọn bất động sản do không bị áp lực về vốn vay nên mua vào vừa để giữ tiền vừa để đầu tư. Với kinh nghiệm theo dõi lĩnh vực này, tôi thường mua lúc thị trường chững lại, khi giao dịch sôi động trở lại, tôi “tung hàng” ra, đều đạt lợi nhuận tốt”.
Tương tự, anh Trần Hải có nhiều năm tham gia trong lĩnh vực bất động sản cũng cho biết vừa tham khảo một số biệt thự, mà chính sách do chủ đầu tư đưa ra là được hỗ trợ vay ngân hàng tới 70% giá trị sản phẩm, thời gian vay tối đa 35 năm. Ngoài ra, anh còn muốn lựa chọn thêm một vài sản phẩm căn hộ sân vườn tại dự án ở Hà Nội với mức chiết khấu lên tới 2 tỷ đồng/căn.
Nhận định về việc nhiều dự án đồng loạt tung ra ưu đãi lớn, một số chuyên gia cho rằng, đây sẽ trở thành xu hướng chủ đạo của thị trường bất động sản cuối năm 2022 và năm 2023. “Thời gian qua, đối với việc cho vay từ phía các ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản, rõ ràng có sự kiểm soát chặt chẽ hơn so lúc trước, dẫn đến nguồn vốn trên thị trường này trở nên khan hiếm. Hơn nữa, từ thực tế hoạt động kinh doanh bất động sản diễn ra trầm lắng, vừa thiếu cả hàng lẫn khách thì đưa ra chính sách như thế hợp lý.
Điều đó thể hiện sự thức tỉnh về tình hình kinh doanh khi họ đang cần vốn. Doanh nghiệp sẽ không hạ giá sản phẩm, nhưng việc mở ra các ưu đãi khiến người mua, người tham gia vào thị trường thêm hứng thú với sản phẩm của doanh nghiệp. Các ưu đãi thực chất là một hình thức giảm giá, trong bối cảnh hiện nay, điều chỉnh để phù hợp với khả năng chi trả của người dân xem như tất yếu. Song khách hàng nên cẩn trọng trước các thông tin ưu đãi, bởi có thể doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, họ quảng cáo sản phẩm cùng chính sách hấp dẫn song lại hạn chế trong việc thực thi”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính phân tích.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng khó khăn lớn nhất với thị trường bất động sản hiện nay là tiếp cận vốn bởi hầu hết chủ đầu tư đều rất khó vay tín dụng ngân hàng. Dòng vốn vào thị trường gặp hạn chế, buộc các chủ đầu tư phải xoay xở, tìm cách trực tiếp huy động tiền từ khách hàng. Thực hiện giãn tiến độ thanh toán, hay ân hạn gốc/lãi vay… là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh thị trường có nhiều điểm nghẽn.
“Việc ngân hàng siết chặt nguồn tiền cho vay đã hạn chế tình trạng đầu cơ, còn với nhà đầu tư, thì để xuống tiền khi giá tăng cao chắc chắn cần cân nhắc, vì giá ảo họ sẽ không đầu tư. Từ câu chuyện đó, nếu muốn bán được hàng, chủ đầu tư hiện nay không thể đưa ra giá theo trào lưu mà phải điều chỉnh”, ông Đính đưa ra ý kiến, đồng thời khẳng định so với các kênh tích lũy khác, bất động sản vẫn được xem là tài sản hiếm khi mất giá. Những biến động hiện tại không thể làm lu mờ tiềm năng của bất động sản trong dài hạn. Thậm chí càng giúp thị trường trưởng thành hơn, hướng tới sự minh bạch, chuyên nghiệp và phát triển ổn định. Tương lai, giá trị bất động sản trên thị trường còn tiếp tục gia tăng nhờ hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển, tạo kết nối liên vùng kinh tế...
Link nội dung: https://biztoday.vn/can-trong-voi-nhung-thong-tin-uu-dai-khi-mua-bat-dong-san-409767.html