Hiến máu cứu người là một nghĩa cử nhân văn, cao cả. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhiều lần trúng thầu với “tiết kiệm 0 đồng”
Cuối tháng 4-2021, Trung tâm đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong việc mua quà tặng phục vụ người hiến máu tình nguyện từ 1-6-2021 đến 3-9-2021 tại TP Thủ Đức và các quận huyện, đơn vị trên địa bàn TPHCM với giá gói thầu là 8.178.490.000 đồng. Kết quả, Công ty CP sự kiện Cường An (gọi tắt là Công ty Cường An) trúng thầu với giá 8.178.490.000 đồng. Đến tháng 1-2022, Công ty Cường An tiếp tục được chọn làm nhà thầu cung cấp sản phẩm cho gói thầu mua quà tặng phục vụ người hiến máu tình nguyện với giá trị hợp đồng lên đến hơn 9,1 tỷ đồng. Và lần này, giá trúng thầu cũng… y chang giá dự toán.
Trong gói thầu số 01 về Mua sắm quà tặng phục vụ hiến máu tình nguyện cho Trung tâm từ tháng 5-2022 đến tháng 1-2023 trị giá 17.623.000.000 đồng, Công ty Cường An đã liên danh với hộ kinh doanh Nguyễn Bích Ngọc (bà Nguyễn Bích Ngọc là chủ hộ kinh doanh, đóng tại số 16 đường Quang Trung, Phố Núi, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để tham gia đấu thầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Cường và bà Ngọc có tên chung một hộ khẩu.
Mục tiêu của việc đấu thầu là tìm được nhà thầu thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, cũng như tiết kiệm tối đa ngân sách cho Nhà nước. Mục tiêu này càng phải được đặt lên cao nhất và quán triệt thực hiện xuyên suốt mọi hoạt động. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều gói trúng thầu mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ… để phục vụ hiến máu tình nguyện tại một số tỉnh, thành của Công ty Cường An rất nhiều lần “trùng hợp” khi có mức tiết kiệm nguồn vốn đầu tư rất thấp, thậm chí là “0 đồng”. Trong suốt quá trình tiếp cận, lần giở từng gói thầu ở một số địa phương, chúng tôi bất ngờ với việc Công ty Cường An trúng thầu với mức tiết kiệm 0 đồng cho nhà đầu tư và ngân sách.
Trở lại năm 2021, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội thực hiện gói thầu 03 Mua quà tặng, đồ ăn nhẹ phục vụ hiến máu tình nguyện tại 30 quận, huyện. Kết quả lựa chọn nhà thầu được ban hành vào ngày 8-1-2021, đơn vị trúng thầu là Công ty Cường An với giá trúng thầu là 9.997.000.000 đồng, con số này trùng khớp với giá gói thầu.
Chưa dừng lại, Công ty Cường An còn trúng gói thầu mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ để phục vụ hiến máu tình nguyện trong 3 năm (2021-2024) của Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng với giá trúng thầu là 8.370.000.000 đồng, không sai biệt với giá gói thầu đưa ra.
Sự “trùng hợp” còn diễn ra tại nhiều gói thầu mua sắm khác cũng dành để phục vụ tặng quà, suất ăn cho người hiến máu tình nguyện tại Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Câu hỏi đặt ra là tại sao các gói thầu có sự tham dự của Công ty Cường An đều là các gói thầu có giá trị lớn, mà nhà thầu này lại thường xuyên trúng thầu với con số tiết kiệm rất nhỏ, hoặc bằng 0?
Theo chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, cần xem xét lại quy trình đấu thầu có được làm đúng, đủ công khai, minh bạch hay chưa. Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu đều có những quy định cụ thể, chi tiết nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay, quá trình thực hiện đấu thầu tại nhiều nơi có thể chưa thực sự nghiêm túc, dẫn đến nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp. Điều này cần phải được hậu kiểm để không gây thất thoát kinh phí nhà đầu tư, ngân sách Nhà nước.
“Siêu nhân” trúng thầu?
Lần theo những gói thầu của các tỉnh thành, chúng tôi tìm hiểu được Công ty Cường An được thành lập ngày 31-12-2010 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng, có trụ sở tại số 15 đường Quang Trung, Phố Núi, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên một trang web đấu thầu uy tín, công ty này đã từng tham gia 36 gói thầu, trong đó trúng 31 gói, trượt 1 gói, 3 gói chưa có kết quả, 1 gói đã bị hủy. Các tỉnh thành đã tham gia thầu gồm: Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Phú Yên, TPHCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Công ty này thường xuyên đưa ra mức chào giá thầu thấp nhất khi tham gia đấu thầu. Trong đó, nếu tính trên các gói thầu có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu thì tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia là hơn 98%, còn tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán thậm chí còn lên đến 99,7%.
Sau khi Báo SGGP đăng hai bài trong loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ một số đơn vị liên quan và sẽ đăng tải trong các số báo tiếp theo. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định, hiến máu nhân đạo là một việc làm có ý nghĩa của toàn xã hội và cần tiếp tục được phát huy. Việc phát hiện, đưa ra công luận hành vi trục lợi, khuất tất đối với quà tặng hiến máu, không nằm ngoài mục tiêu đem đến một môi trường thiện nguyện minh bạch.
Nếu như quá trình đấu thầu không có gì khuất tất, có lẽ các nhà thầu khác phải ngưỡng mộ khả năng dự đoán và chào giá trong những cuộc cạnh tranh đấu thầu của Công ty Cường An. Sự “vi diệu” còn được thể hiện ở một gói thầu mua sắm khác của Trung tâm. Vào tháng 7-2022, Công ty Cường An trúng gói thầu số 01 về mua sắm quà tặng phục vụ hiến máu tình nguyện cho Trung tâm từ tháng 5-2022 đến tháng 1-2023. Giá trúng thầu lần này là 17.623.000.000 đồng, một lần nữa “ngẫu nhiên” lại giống với giá dự toán đưa ra. Gói thầu này còn “lạ” ở chỗ mua sắm để cung cấp hàng hóa phục vụ tặng quà cho người hiến máu tình nguyện từ tháng 5-2022, nhưng phải đến tháng 7, hai đơn vị này mới tiến hành đấu thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng. Từ quy định cho đến thông lệ, việc mua sắm công không thể tiến hành theo kiểu dùng trước - mua sau. Như vậy, chỉ trong vòng một năm rưỡi, Công ty Cường An đã trúng thầu 3 lần liên tiếp cung cấp quà tặng cho Trung tâm.
Khi tham gia hiến máu, chẳng ai cân đo hay thắc mắc sẽ nhận lại được bao nhiêu quà - tiền, bởi nghĩa cử cao đẹp này hướng đến mục đích cao nhất là cứu người. Số quà - tiền mà họ nhận được có tương xứng với nghĩa cử đã được luật hóa bằng những quy định cụ thể hay chưa? Câu hỏi này có lẽ chỉ những đơn vị tổ chức mới có câu trả lời chính xác nhất.
Đường đi của máu
Để có được 1 đơn vị máu đạt chuẩn chất lượng theo quy định cần có rất nhiều hoạt động khác nhau, có thể chia làm 3 giai đoạn cơ bản: Giai đoạn 1 là vận động và tổ chức hiến máu; giai đoạn 2 gồm điều chế - lưu trữ - cấp phát; giai đoạn 3 truyền máu tại các bệnh viện. Mỗi giai đoạn có những chi phí tối thiểu, ngoài ra, còn có các chi phí khác để đảm bảo vận hành tốt quy trình quản lý, sản xuất của một ngân hàng máu. Do đó, hiện nay giá của một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn cung cấp cho người bệnh được quy định theo Thông tư 17/2020 TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12-11-2020 quy định giá tối đa khi cung cấp cho người bệnh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/truc-loi-tu-qua-tang-hien-mau-nhan-dao-bai-3-chuyen-la-o-nhung-goi-thau-410339.html