Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh

Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh, đẩy mạnh và đảm bảo tính bền vững trong công tác cải cách, hiện đại hoá hành chính, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Một trong những nội dung được bàn luận sôi nổi tại HĐND tỉnh Quảng Ninh kỳ họp thứ 11 diễn ra mới đây là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đều đánh giá, công tác cải cách, hiện đại hoá hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua.

Quảng Ninh là một trong sáu tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước gửi-nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, Quảng Ninh đã đưa 1.222 thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3 của tỉnh hiện là 57,36%; dịch vụ công mức độ 4 là 29,45%.

Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện, thứ hạng về chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI dẫn đầu cả nước.

Từ vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng PCI năm 2011, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ ba năm 2015, lên ngôi á quân một năm sau đó và liên tục duy trì vị thế dẫn đầu trong suốt 5 năm qua.

Tuy nhiên, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chưa khai thác, ứng dụng triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ sở dữ liệu, liên thông, số hóa, chia sẻ dữ liệu chưa đầy đủ, đồng bộ.

Chất lượng chuyển biến trong một chỉ số thành phần trong các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI qua các năm được đánh giá là chưa thật vững chắc, thiếu ổn định. Có chỉ số nằm ở nhóm dưới; kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Vài năm gần đây, Quảng Ninh đã xác định, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của chiến lược xây dựng, phát triển của tỉnh trong thời gian tới. 

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, Quảng Ninh xác định cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công là cấp bách. Tỉnh sẽ cải thiện chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí của các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS, nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh với mục tiêu cao nhất là tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.

Chia sẻ trên kênh truyền thông tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh cho biết, Nghị quyết của HĐND được ban hành trong năm 2022 khẳng định tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là một hành trình không có điểm kết thúc và luôn lấy sự hài lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả thực chất của công việc.

Bà Chi cho rằng, Nghị quyết cũng sẽ là cơ sở để các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, bám sát tình hình thực tiễn để nhận diện, phân tích và đề xuất giải pháp bổ sung, đổi mới khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Quảng Ninh xác định tiếp tục mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số PCI, PAR index, SIPAS nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, hướng đến là một những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/quang-ninh-day-manh-chuyen-doi-so-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-410470.html