Ngân hàng Bản Việt đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Trong 2 ngày, ngân hàng Bản Việt đã mua lại 1.050 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Đồng thời, từ đầu năm 2022 đến nay cũng phát hành thành công 9 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.010 tỷ đồng.

ngan-hang-ban-viet-1668049334.png
 

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thống kê, trong 9 tháng 2022, ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm mua lại trái phiếu trước hạn lớn nhất. Điều này mặc nhiên là tỷ lệ thuận với khối lượng và tổng giá trị trái phiếu mà 2 nhóm đã thống trị bảng phát hành trong khoảng 3 năm qua đến 2021.

Từ đầu năm 2022 đến nay, làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục bùng nổ tại nhóm ngân hàng và bất động sản. Không chỉ các nhà băng quy mô lớn, tại các ngân hàng quy mô nhỏ hiện cũng đang đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB).

Cụ thể, theo thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 2/11 vừa qua, ngân hàng Bản Việt thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 50 tỷ đồng trái phiếu có mã BVBLH21268001 kỳ hạn 7 năm, phát hành vào ngày 2/8/2021.

Tiếp đến, ngày 4/11, nhà băng này mua toàn bộ trước hạn lô trái phiếu mã BV2020-0411 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm. Lô trái phiếu này phát hành ngày 4/11/2020 và đáo hạn ngày 4/11/2023.

Trước đó, từ ngày 7/2 đến 8/4/2022, ngân hàng Bản Việt cũng mua lại trước hạn 696,5 tỷ đồng trái phiếu thuộc mã TPRL012020 có tổng giá trị 697,5 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm. Lô trái phiếu này phát hành từ 4/11/2020 đến 7/1/2021 và đáo hạn từ 4/11/2026 đến 7/1/2027.

Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, nhà băng này đã mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.746 tỷ đồng.

ket-qua-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-tai-ngan-hang-ban-viet-1668049433.png

Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn tại ngân hàng Bản Việt (nguồn: HNX)

Song song với động thái mua lại trái phiếu trước hạn, từ đầu năm 2022 đến nay, ngân hàng Bản Việt cũng phát hành thành công 9 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.010 tỷ đồng. Tất cả các lô trái phiếu này đều kỳ hạn 7 năm.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng Bản Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 423 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2022, BVB đã thực hiện được 94% chỉ tiêu sau 9 tháng.

Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Công ty chứng khoán VCBS ước tính, khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp quý IV 2022 đạt 85 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%). Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790 nghìn tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, VCBS cho rằng khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ngan-hang-ban-viet-day-manh-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-410972.html