Thấy gì từ làn sóng “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản ở Trung Quốc?

Các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) tại nhiều tỉnh, thành phố Trung Quốc đang mua lại dự án dang dở của các công ty địa ốc vỡ nợ, bao gồm cả loạt dự án của China Evergrande Group...

Việc các LGFV mua dự án đang dang dở của các công ty địa ốc gặp khó khăn diễn ra phổ biến tại tỉnh Quảng Đông - Ảnh: Bloomberg
Việc các LGFV mua dự án đang dang dở của các công ty địa ốc gặp khó khăn diễn ra phổ biến tại tỉnh Quảng Đông - Ảnh: Bloomberg

Theo hãng tin Bloomberg, các thành phố và chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang đua nhau vào vai “hiệp sĩ” giải cứu các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

Các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) hiện là bên mua lớn nhất của những dự án dở dang từ các công ty bất động sản vỡ nợ, bao gồm cả China Evergrande Group. Sự tham gia ngày càng lớn của LGFV trong lĩnh vực bất động sản làm dấy lên quan ngại về áp lực nợ của các chính quyền địa phương.

Từ giữa những năm 1990, chính quyền trung ương Trung Quốc đã đưa ra quy định về ngân sách nhằm ngăn chặn địa phương tạo ra những khoản nợ lớn. Để đối phó với quy định này, các chính quyền địa phương sử dụng LGFV để huy động vốn. Các LGFV đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại nguồn tiền xây dựng cầu, đường, tàu điện ngầm... 

Các nhà phân tích David Qu và Chang Shu của Bloomberg Economics ước tính tổng khối nợ của các LGFV ở Trung Quốc, bao gồm nợ vay ngân hàng, là khoảng 60.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 8.275 tỷ USD), tương đương khoảng 50% GDP của nước này. Trong đó, nợ trái phiếu là khoảng 11.600 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.600 tỷ USD). Do đó, hậu quả sẽ rất lớn nếu xảy ra vỡ nợ. 

Việc các LGFV mua dự án đang dang dở của các công ty địa ốc gặp khó khăn diễn ra phổ biến tại tỉnh Quảng Đông - một trung tâm thương mại có sức khỏe tài chính tương đối tốt tại Trung Quốc.

"Ở khía cạnh tích cực, việc các LGFV đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng các dự án khu dân cư dang dở đang khiến giới đầu tư tin rằng các LGFV có sự đảm bảo ngầm từ chính quyền địa phương và điều này giúp các đơn vị đó tránh bị vỡ nợ trái phiếu".

Các nhà phân tích tại Tianfeng Securities Co.

Tập đoàn đầu tư xây dựng thành phố Quảng Châu, một LGFV được sự hậu thuẫn của thành phố Quảng Châu - thủ phủ của Quảng Đông - tháng trước đã mua lại một lô lất lẽ ra được dành để xây dựng sân vận động bóng đá sức chứa 80.000 người từ tay Evergrande. Đây là một trong nhiều dự án mà tập đoàn Evergrande - tâm điểm của cuộc khủng hoảng tín dụng trên thị trường bất động sản Trung Quốc - nắm giữ ở Quảng Châu.

Với thương vụ này, Tập đoàn Đầu tư xây dựng thành phố Quảng Châu giờ đây chịu trách nhiệm hoàn thiện nốt việc xây dựng sân vận động. Trước đó, Evergrand ước tính dự án có tổng vốn đầu tư 12 tỷ Nhân dân tệ nhưng mới chỉ đầu tư 2 tỷ Nhân dân tệ. Phần còn lại giờ đây sẽ do LGFV này chi trả, sau khi chi 57 tỷ Nhân dân tệ cho các dự án bất động sản khác tính tới tháng 3 năm nay. 

Tại thành phố Thẩm Quyến gần đó, một LGFV cấp quận cũng đang tăng cường hỗ trợ 4 dự án trọng điểm của Evergrande ở đây. Dù LGFV này không huy động vốn trên thị trường mở, nhưng dữ liệu cho thấy cổ đông lớn nhất của đơn vị này - công ty Shenzhen Talents Housing Group Co. - đã tăng phát hành trái phiếu trong năm nay.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service, sự hiện diện ngày càng lớn của các LGFV trong lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của họ. Bên cạnh đó, nỗ lực trực tiếp giải cứu các công ty bất động sản vỡ nợ của các LGFV, cùng với mối liên hệ ngày càng chặt hơn với lĩnh vực này, đang làm dấy lên mối lo ngại mới về sức khỏe tài chính của những chính quyền địa phương là mắt xích yếu nhất trong khu vực công ở Trung Quốc.

“Việc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng là một trong những rủi ro đối với các LGFV. Doanh số có thể sẽ không được như kỳ vọng nếu dự án không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này sẽ khiến dòng tiền của họ hao hụt”, nhà phân tích trái phiếu Zhou Yue tại Zhongtai Securities viết trong một báo cáo hồi tháng 9.

Trước khi trở thành “hiệp sĩ”, các LGFV ở Trung Quốc cũng đã cho nhiều nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn vay nợ.

Ở khía cạnh tích cực, việc các LGFV đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng các dự án khu dân cư dang dở đang khiến giới đầu tư tin rằng các LGFV có sự đảm bảo ngầm từ chính quyền địa phương và điều này giúp các đơn vị đó tránh bị vỡ nợ trái phiếu - theo nhận định của các nhà phân tích tại Tianfeng Securities Co.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service, sự hiện diện ngày càng lớn của các LGFV trong lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của họ - Ảnh: Getty Images
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service, sự hiện diện ngày càng lớn của các LGFV trong lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của họ - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ivan Chung tại Moody’s, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa ốc dài chưa từng thấy ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày càng nhiều công ty bất động sản sẽ lâm vào tình cảnh nguy cấp. Khi đó, áp lực giải cứu của các LGFV sẽ tăng lên gấp bội. Do đó, những chính quyền địa phương đang gặp khó khăn về tài chính sẽ càng thêm áp lực.

“Các LGFV ở những thành phố có sức khỏe tài chính yếu đối mặt rủi ro tín dụng cao hơn. Nếu các dự án dở dang cần nguồn tiền lớn để tiếp tục triển khai, điều này gây ra rủi ro lớn hơn nữa cho các LGFV đứng sau”, ông Chung nhận định.

“Chính phủ cần dựa vào các LGFV trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng một khi chính sách thay đổi, chúng tôi không loại trừ nguy cơ các LGFV sẽ vỡ nợ trái phiếu”, bà Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại CreditSights (Singapore) nhận định. “Trung Quốc có thể lại phải tập trung vào việc thanh toán nợ cho các chính quyền địa phương khi tăng trưởng kinh tế phục hồi”.

Link nội dung: https://biztoday.vn/thay-gi-tu-lan-song-giai-cuu-doanh-nghiep-bat-dong-san-o-trung-quoc-411128.html