Lạm phát ở Mỹ đã qua đỉnh và Fed sắp trở nên mềm mỏng?

Việc lạm phát tháng 10 ở Mỹ giảm mạnh hơn dự báo có thể sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, vì nền kinh tế đã bắt đầu ngấm tác dụng của những đợt nâng mạnh tay từ đầu năm đến nay...

Biểu tượng đại bàng Mỹ tại trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Biểu tượng đại bàng Mỹ tại trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/11 cho thấy giá của những nhóm hàng hoá và dịch vụ chủ chốt như giá thuê nhà đều tăng ít hơn dự báo. Đặc biệt, giá ô tô đã qua sử dụng - một “thủ phạm” khiến lạm phát tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 - giảm 2,4%, đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Giá vé máy bay, dịch vụ y tế và hàng may mặc đều giảm.

Lạm phát toàn phần tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cao so với tiêu chuẩn lịch sử, với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm ngoái là 7,7%, nhưng lạm phát lõi (không tính đến hai nhóm mặt hàng có biến động lớn là thực phẩm và năng lượng) đã giảm một nửa so với tháng trước. CPI lõi tháng 10 chỉ tăng 0,3% so với tháng 9, từ chỗ tăng 0,6% trong tháng 9 so với tháng 8.

Theo hãng tin Reuters, một số nhà phân tích nói rằng đây mới là sự khởi đầu của lạm phát xuống thang ở Mỹ. Từ năm ngoái, lạm phát đã nổi lên thành rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế nước này.

“Đây không phải là một ngoại lệ nào đó. Đây là sự khởi đầu của lạm phát đi xuống”, chuyên gia Omair Sharif của Inflation Insights nhận định trong một báo cáo.

Sau khi báo cáo lạm phát được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ, với chỉ số S&P 500 chốt phiên tăng 5,5%, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh.

Nhà đầu tư nhìn chung chưa kỳ vọng Fed sẽ sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất, nhưng ít nhất họ tin rằng Fed sẽ giảm bớt tốc độ tăng lãi suất hoặc tạm dừng việc tăng lãi suất sớm hơn dự tính.

Chiến dịch tăng lãi suất của Fed trong năm nay là mạnh nhất kể từ thập niên 1980. Từ tháng 3 tới nay, Fed đã có 6 đợt nâng, với 4 đợt liên tiếp áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Sau đợt nâng mới nhất diễn ra vào tuần trước, lãi suất chính sách của Fed đã tăng lên khoảng 3,75-4%.

Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ chuyển sang nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 12. Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh rằng lãi suất cực đại trong chu kỳ này sẽ là mức 4,75-5% thiết lập vào tháng 3/2023.

Trước khi báo cáo lạm phát được công bố, đỉnh lãi suất của chu kỳ tăng này được dự báo sẽ trên 5%. Ngoài ra, thị trường cũng tin rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ nửa sau của năm 2023.

Lạm phát và lãi suất ở Mỹ - Nguồn: Reuters.
Lạm phát và lãi suất ở Mỹ - Nguồn: Reuters.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cảm thấy được giải toả tâm lý phần nào sau khi đón nhận báo cáo CPI tháng 10. Tuy nhiên, Fed đã dự báo sai về lạm phát, dẫn tới việc họ phải “chạy theo” lạm phát trong chu kỳ thắt chặt này và hứng chịu sự chỉ trích của dư luận. Bởi vậy, các phát biểu của giới chức Fed ngày 10/11 đều giữ quan điểm thận trọng, rằng sự leo thang của giá cả vẫn còn chưa đến hồi chấm dứt.

“Số liệu CPI công bố ngày hôm nay là một điều đáng mừng, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi”, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Lorie Logan phát biểu.

“Tôi tin rằng việc giảm tốc độ tăng lãi suất có thể là phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta nên đánh giá kỹ lưỡng hơn về các điều kiện tài chính và kinh tế. Tôi cho rằng một tốc độ tăng lãi suất chậm hơn không nên được xem là đại diện cho chính sách tiền tệ dễ dãi hơn”, ông Lorie Logan bày tỏ quan điểm.

Giới chức Fed từ lâu vẫn nói rằng họ muốn có bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát giảm thực sự trước khi có sự điều chỉnh về chính sách tiền tệ. Họ tin rằng việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% sẽ đòi hỏi phải giữ lãi suất ở mức thắt chặt trong một khoảng thời gian có thể là dài.

Lạm phát cao ở lĩnh vực dịch vụ - có khả năng phản ánh thị trường lao động còn thắt chặt ở những ngành đòi hỏi nhiều nhân công - có thể sẽ cản trở bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cho vấn đề lạm phát nói chung.

Dù vậy, trong cuộc họp hôm 1-2/11, Fed đã phát tín hiệu có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm lại khi nền kinh tế ngấm tác dụng có độ trễ của chính sách tiền tệ.

“Các đợt tăng lãi suất đã bắt đầu tác động đến nền kinh tế. Lạm phát đang giảm xuống vì người tiêu dùng trở nên tiết kiệm hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng Peter Cardillo của Spartan Capital Securities nhận định.

Phát biểu sau báo cáo CPI, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker thể hiện quan điểm ủng hộ việc giảm tốc độ tăng rồi tiến tới dừng tăng lãi suất, thậm chí là sớm hơn so với kỳ vọng hiện nay của thị trường.

“Tôi thuộc phái muốn lãi suất chỉ tăng lên mức khoảng 4,5% rồi tạm dừng ở đó để chờ xem mọi việc thế nào”, ông nói.

Link nội dung: https://biztoday.vn/lam-phat-o-my-da-qua-dinh-va-fed-sap-tro-nen-mem-mong-411502.html