Đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó và vượt qua khủng hoảng

Sau đại dịch Covid-19, chúng ta không thể lường trước được những biến cố có thể xảy ra, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các chiến lược phù hợp để duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển, đảm bảo khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ngày 09/11/2022, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.

Tại hội thảo, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã trình bày kết quả chính của Báo cáo. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp, cho kết quả cho thấy, 32,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, năng lực quản trị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng COVID-19 thành công; 20,5% cho rằng thị trường khách hàng là nguyên nhân chính; 20% lựa chọn khả năng thích ứng với khủng hoảng dựa trên quy mô vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cho rằng khả năng vượt qua khủng hoảng COVID-19 còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động, năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số…Với các trường hợp đã vượt qua đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phát triển, doanh thu, lợi nhuận, kỹ năng đều tăng và hoàn thiện hơn.

cnht-1667983040.jpg Doanh nghiệp cần có các chiến lược phù hợp để vượt qua khủng hoảng. Ảnh minh họa.

Để giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ trong tương lai, nhóm nghiên cứu và các chuyên gia cho rằng, các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. 

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của CMCN 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng...

Chia sẻ thêm một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do mức độ và chiều hướng tác động của Covid-19 lên các ngành có sự khác nhau, nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ, trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô, thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng, do việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, đồng thời, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay, để có cơ hội bứt phá và vươn lên phát triển. Các doanh nghiệp được quản lý quá chặt chẽ lại có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược. Đồng thời, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Để có thể đánh giá mức độ rủi ro và khả năng bị tổn thương cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết các tác động khủng hoảng theo các kịch bản tiềm tàng khác nhau. Kế hoạch này phải phù hợp với mức độ và thời gian của cuộc khủng hoảng và tác động tiềm tàng đối với thanh khoản, nguồn vốn, ngành nghề kinh doanh chính và chuỗi cung ứng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/de-xuat-giai-phap-giup-doanh-nghiep-ung-pho-va-vuot-qua-khung-hoang-411681.html