Guardiola và Conte đều phàn nàn về lịch thi đấu khiến các cầu thủ mệt nhoài và nguy cơ chấn thương tăng cao khi trở lại với Premier League. Ba ngày sau khi World Cup kết thúc (18/12), Manchester City và Tottenham sẽ đá vòng 4 League Cup. “Có lẽ tôi sẽ phải để các cầu thủ trẻ từ học viện và các nhân viên y tế vào sân thi đấu”, thuyền trưởng Man City, Pep Guardiola, nói.
Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cầu thủ
Còn Premier League sẽ trở lại vào ngày Boxing Day (26/12). Và sau đó là liên tiếp các trận trong kỳ nghỉ lễ sẽ được tiến hành đúng như truyền thống của bóng đá Anh. Giải La Liga trở lại vào ngày 31/12, giải Serie A đấu tiếp vào ngày 4/1/2023, giải Ligue 1 khôi phục ngày 13/1/2023. Giải Bundesliga nghỉ nhiều hơn, đến 20/1/2023 mới thi đấu trở lại.
Theo chuyên gia y học thể thao Rich Buchanan từ Công ty Nghiên cứu Số liệu Thể thao Zone7, sự thay đổi về khối lượng công việc có tác động rất lớn đến cơ thể của các cầu thủ, khiến họ dễ dính chấn thương. Các cầu thủ đang tập bình thường với chu kỳ huấn luyện thể lực dài ở các CLB, phải đột ngột chuyển sang chu kỳ huấn luyện thể lực ngắn của ĐTQG để chuẩn bị cho các trận đấu World Cup.
World Cup 2022 được nhiều người trong ngành bóng đá coi là tổ chức trong thời gian, không gian bất thường nhất trong lịch sử. Ảnh: Reuters. |
Zone7 nghiên cứu các cầu thủ qua các giải đấu lớn được tổ chức vào giữa mùa bóng của các CLB, như CAN ở châu Phi, CONCACAF Gold Cup tại Bắc, Trung Mỹ và Caribbean, Copa America ở Nam Mỹ. Nghiên cứu của Zone7 chỉ ra rằng cầu thủ nào chơi hai trận đấu trong vòng 10 ngày trở lại sau một giải lớn sẽ có nguy cơ dính chấn thương gấp 5 lần so với những người không dự giải .
Ngoài việc khôi phục thể lực, các cầu thủ còn mất nhiều thời gian để khôi phục tâm lý. Khi vào giải đấu lớn nhất hành tinh, phải cấm trại tập luyện, không được tiếp xúc với người thân gia đình, mọi người đều nhìn vào, áp lực từ dư luận, truyền thông, cường độ tập luyện sẽ khiến các cầu thủ kiệt quệ tâm lý. Phải trải qua một kỳ nghỉ dài mùa hè, họ mới lấy lại thăng bằng. Nếu lao ngay vào thi đấu như ở Anh, họ không thể đạt phong độ tốt.
Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup phải chuyển thời gian tổ chức vào cuối năm này là bởi Qatar được chọn làm chủ nhà. Trong thời gian tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, nhiệt độ cao nhất trong bóng râm ở Qatar khoảng 39-42 độ, khí hậu sa mạc quá nóng để tổ chức một giải bóng đá. Vào tháng 11, nhiệt độ ở Qatar từ 20-29 độ C phù hợp hơn.
“Chọn Qatar là một sai lầm”
Tổ chức giải đấu tại Qatar bất tiện đủ đường. Cách đây vài ngày, cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phải thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger rằng “trao quyền đăng cai cho Qatar là một sai lầm”. Ông Sepp Blatter là Chủ tịch FIFA vào thời điểm cuối năm 2010, khi Qatar thắng Mỹ trong vòng cuối cuộc bỏ phiếu chọn nước đăng cai World Cup 2022. Trong 22 thành viên Ban chấp hành FIFA, 14 vị bỏ phiếu cho Qatar, 8 vị bỏ phiếu cho Mỹ.
“Các thành viên Ban chấp hành trước lúc bỏ phiếu đồng thuận là Nga sẽ tổ chức World Cup 2018, và Mỹ sẽ là năm 2022. Hai nước địch thủ với nhau về quan điểm tổ chức liên tiếp hai kỳ World Cup sẽ là một dấu hiệu hòa bình. Nhưng rồi 4 phiếu của Michel Platini và đồng minh của ông cho Qatar thay đổi cán cân. Tại sao Qatar là lựa chọn tồi? Vì Qatar quá nhỏ, World Cup quá lớn với họ”, ông Blatter tiết lộ.
Blatter còn tiết lộ rằng Platini kể với ông, trước ngày bỏ phiếu, Platini được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mời đến Điện Elysee ăn trưa với thái tử Qatar. Họ đề nghị với Platini, khi đó đang là Chủ tịch UEFA, tìm cách tác động để Qatar giành quyền đăng cai. 6 tháng sau, Qatar mua các máy bay chiến đấu của Pháp sản xuất với tổng trị giá 14,6 tỷ USD.
Chi phí tổ chức World Cup tại Qatar gấp hơn 50 lần so với ở Đức, theo Statista. Đồ họa: Minh Phúc. |
Xoay quanh chuyện Qatar giành quyền đăng cai World Cup, có rất nhiều bê bối, tham nhũng, hối lộ, đe dọa, mua chuộc. Mà sau này khiến một loạt quan chức bóng đá FIFA, trong đó có Platini “ngã ngựa”. Các bê bối được trình bày khá đầy đủ trong cuốn sách mang tựa đề “The Ugly Game”. Cuốn sách của tác giả là hai phóng viên The Sunday Times hé lộ mọi bí mật trong chuyện “mua” World Cup của Qatar. Tư liệu để viết cuốn sách được cung cấp bởi một nhân vật giấu tên, từng nằm trong bộ chỉ huy chiến dịch vận động đăng cai World Cup của Qatar.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista, World Cup ở Qatar đắt tiền nhất từ trước đến nay, lên đến 220 tỷ USD, bao gồm chi phí xây mới các sân bóng, mạng lưới giao thông, sân bay, đổi mới khách sạn,… Hơn rất nhiều so với các nước chủ nhà World Cup khác. Ví dụ, khi Đức tổ chức giải đấu năm 2006, họ chỉ phải chi ra 4,3 tỷ USD.
Bỏ nhiều tiền như vậy cho các cơ sở thể thao, rõ ràng Qatar rơi vào “thảm họa voi trắng” như các nước tổ chức sự kiện thể thao lớn trước đó: Nga, Nam Phi, Brazil,… “Thảm họa voi trắng” là thuật ngữ ám chỉ một vật cần tốn nhiều tiền để mua, nhiều chi phí để bảo trì, nhưng hiệu quả sử dụng thì không bao nhiêu. Qatar có chưa đầy 3 triệu dân, khoảng 400 cầu thủ chuyên nghiệp, rõ ràng không cần nhiều sân bóng như vậy.
Dù chi nhiều tiền, trong quá trình 10 năm xây dựng hạ tầng, các nhà thầu, chủ đầu tư Qatar bị các tổ chức quốc tế lên án là bóc lột nhân công thậm tệ. Có rất nhiều bài báo lên tiếng về điều này. Tờ Guardian tiết lộ điều tra của họ, rằng có hơn 6.500 công nhân nhập khẩu từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka chết ở Qatar trong 10 năm qua.
Chi phí đắt đỏ và không khí buồn tẻ
Qatar nhỏ hơn thành phố New York 11 lần, nên một trong những lợi thế với CĐV là họ có thể dễ dàng di chuyển giữa các SVĐ, giảm chi phí đi lại và có thể ở cùng một khách sạn suốt giải đấu. Nhưng giá khách sạn đắt. Giá trung bình ngày thường ở một khách sạn 3 sao là 141 USD một đêm. Trong thời gian World Cup, giá có khi được đẩy lên gấp ba lần. Giá một đêm ngủ giường tầng ở nhà nghỉ là 86 USD.
Ban tổ chức cung cấp lều ở làng CĐV với giá khởi điểm 207 USD một giường đơn/đêm. Còn chơi sang hơn có thể thuê một biệt thự có 13 giường với giá 24.388 USD, tính ra mỗi người chi 1.876 USD cho một đêm.
Giá vé vào sân loại 3 rẻ nhất bán cho dân bản xứ là 11 USD. Đối với người nước ngoài, vé này được bán với giá 68 USD. Giá vé loại 1 cố định cho vòng bảng là 219 USD. Để có tấm vé loại 1 xem trận chung kết, CĐV phải trả 1.606 USD. Giá vé máy bay lại rất cao, một chuyến khứ hồi từ Buenos Aires (Argentina) đến Doha, quá cảnh qua Paris (Pháp) có giá 4.291 USD.
Chi phí ăn, ngủ 2 đêm, vé xem 1 trận đấu và vé máy bay khứ hồi cho một CĐV, theo Bookies.com. Đồ họa: Minh Phúc. |
Theo tính toán của trang Bookies, chi phí trung bình cho một CĐV xem một trận đấu World Cup là 2.730 USD, bao gồm vé vào sân rẻ nhất, khách sạn rẻ nhất cho 2 đêm, 2 lon bia trong các bữa ăn ở nhà hàng được giới thiệu.
Uống rượu phần lớn bị cấm ở Qatar, nhưng những quy định này được nới lỏng phần nào cho World Cup 2022. Một số khách sạn và quán bar được cấp phép cho bán bia rượu. Có một loại "thuế tội lỗi" được áp dụng đối với tất cả đồ uống có cồn, với một số loại bia dự kiến có giá 17 USD trong các khách sạn. Tuy nhiên, sẽ có loại bia 500 ml bán với giá 5,7 USD ở một số khu vực dành cho người hâm mộ. Nhưng chỉ có 10 khu vực như vậy trên khắp cả nước. Công viên Al Bidda rộng 50 hécta là nơi lớn nhất và rượu sẽ chỉ phục vụ từ 18h30 đến 1h sáng theo giờ địa phương hàng ngày. Ở Qatar, sẽ chẳng mấy khi thấy không khí hội hè như ta thường thấy ở các kỳ World Cup.
Một bữa ăn nhanh điển hình ở Qatar có giá 6,9 USD, trong khi một bữa ăn tầm trung cho hai người có thể khiến bạn mất 55 USD. Khách du lịch trung bình chi 49 USD cho đồ ăn mỗi ngày, và số tiền đó không bao gồm rượu. CĐV bình dân được khuyên đến các siêu thị Carrefour có nhiều quán bán Pizza Hut, Nandos, McDonalds, Burger King.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...
Link nội dung: https://biztoday.vn/world-cup-2022-la-giai-dau-dien-ro-nhat-lich-su-412017.html