Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/11), hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, nhờ số liệu thống kê công bố hôm thứ Năm cho thấy lạm phát giảm tốc làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sớm giảm tốc độ tăng lãi suất. Giá dầu tăng sau khi Trung Quốc nới một số quy định chống Covid.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,9%, đạt 3.992,93 điểm. Phiên tăng này đưa tổng mức tăng của chỉ số trong tuần lên 5,9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 24/6.
Chỉ số Nasdaq tăng 1,9%, đạt 11.323,33 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, đạt 33.747,86 điểm.
Giá cổ phiếu tăng mạnh giữa lúc giá tiền ảo giảm trở lại trong phiên ngày thứ Sáu. Thị trường tiền kỹ thuật số đã tụt dốc từ đầu tuần và tiếp tục chịu áp lực trong phiên này, sau khi sàn giao dịch FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản và nhà sáng lập của FTX là Sam Bankman-Fried từ chức CEO.
Lúc gần 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin giảm gần 4% so với cách đó 24 tiếng, còn dưới 17.000 USD. Cả tuần, giá Bitcoin đã giảm gần 20%.
Dù vậy, cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu liên quan đến tiền ảo đã hồi phục mạnh sau khi mở cửa trong trạng thái giảm phiên này. Amazon chốt phiên với mức tăng hơn 4% và Alphabet tăng 2,6%. Cả tuần, nhóm công nghệ trong S&P 500 tăng 10%, đánh dấu tuần tốt nhất kể từ tháng 4/2020.
Hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh, với Dow Jones tăng hơn 1.200 điểm, sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng ít hơn so với dự báo. Nhà đầu tư hy vọng rằng lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh và Fed sắp đến lúc giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc thậm chí là dừng tăng lãi suất. Nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt chặt được giải toả một phần là động lực để nhà đầu tư mua mạnh những nhóm cổ phiếu đã bị bán tháo trước đó trong môi trường lãi suất tăng, điển hình là nhóm công nghệ.
Cũng trong phiên ngày thứ Năm, S&P 500 tăng 5,5% và Nasdaq tăng khoảng 7,4%. Đây là ngày tăng mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ năm 2020.
Lợi suất trái phiếu kho bạc sụt mạnh trong phiên ngày thứ Năm sau báo cáo lạm phát dịu đi. Ngày thứ Sáu, thị trường trái phiếu ở Phố Wall đóng cửa nghỉ lễ Ngày Cựu binh (Veterans Day).
“Từ góc nhìn của thị trường chứng khoán, mối đe doạ lãi suất tăng cao giảm bớt đồng nghĩa một trở ngại lớn được dỡ bỏ”, chiến lược gia Emmanuel Cau của Barclays nhận định.
Cả tuần, Dow Jones tăng 4,1% và Nasdaq tăng 8,1%. Tuần này nối lại sự hồi phục của chứng khoán Mỹ bắt đầu kể từ giữa từ giữa tháng 10 sau một giai đoạn thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trước đó.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,49 USD/thùng, tương đương tăng 2,9%, đóng cửa ở 88,96 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2,32 USD/thùng, chốt ở 95,99 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu WTI và Brent đã tăng tương ứng 0,8% và 1,1% trong phiên ngày thứ Năm. Tuy nhiên, cả tuần, giá hai loại dầu giảm gần 4% và 2,6%.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên ngày thứ Sáu sau khi Trung Quốc nới lỏng một số quy định chống Covid, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần và ngừng xử phạt các hãng hàng không chở hành khách mắc Covid. Tuần này, giá dầu giảm vì lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng và nỗi lo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc khi nước này tiếp tục bùng phát dịch Covid và vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách Zero Covid.
“Việc Trung Quốc thay đổi cách phản ứng với số ca nhiễm mới Covid-19 dai dẳng ở mức cao đã khiến thị trường dầu thêm biến động. Nếu chính sách mới này tiếp tục, giá dầu có thể lấy lại được hết phần mất mát của tuần này”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định.
Ngoài ra trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu còn được nâng đỡ bởi sự giảm giá của đồng USD, khi chỉ số Dollar Index giảm gần 1,7%. Dầu thô và nhiều hàng hoá cơ bản khác được định giá bằng USD nên khi đồng tiền này giảm giá, giá các hàng hoá đó thường tăng, và ngược lại.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-tiep-tuc-tang-manh-gia-dau-giu-da-di-len-nho-tin-tu-trung-quoc-412104.html