“Mấy tháng nay không ai hỏi mua đất nữa, dự án cũng không mở bán rầm rộ như lúc trước. Mình cũng thảnh thơi chăm sóc gia đình mà không mất ăn, mất ngủ vì đất đai”, Như Hoàng, một cò đất ở TP Bảo Lộc nói.
Theo anh Hoàng, dịp này năm ngoái Bảo Lộc gần như không ngủ vì đất đai. “Điện thoại đổ chuông liên tục, khách hàng mình tiếp không xuể. Giá đất nền cũng tăng từng giờ, tiền tỷ trao tay chỉ ‘sau một nốt nhạc’”, Hoàng nhớ lại.
Cỏ dại mọc um tùm ở những “dự án view triệu đô"
Như Zing từng phản ánh, từ cuối 2019, cơn sốt đất bắt đầu “càn quét” phố núi Bảo Lộc, trên địa bàn thành phố này bắt đầu hình thành hàng loạt “dự án bất động sản”.
"Dự án" La Melodie vắng tanh, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: T.H. |
Mô típ hình thành các “dự án” như sau: Người dân địa phương (hoặc người ngoại tỉnh) đứng tên lô đất có diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Sau đó, họ làm đơn xin hiến đất làm đường cho chính quyền địa phương xác nhận và tự xây dựng hạ tầng, đấu nối với tuyến đường giao thông hiện hữu.
Khi đã có đường nội bộ, họ bắt đầu phân thành các lô nhỏ vài trăm mét vuông để bán cho khách hàng dưới hình thức “dự án bất động sản” được quảng cáo rầm rộ trên mạng.
Bằng chiêu thức này, thống kê trong năm 2020, tại Bảo Lộc có trên 40 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị hiến đất mở đường để tách nhiều thửa đất.
Thời điểm này giá bất động sản ở Bảo Lộc tăng chóng mặt từ 500.000-800.000 đồng/m2, sau khi được hô biến thành “dự án”, những khu đất này có giá cả chục triệu/m2.
Điển hình như các dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie, Phố Hoa Hillside, Bảo Lộc Green Wich, Ecolake Village, Bảo Lộc Farm 38, Happy Valley, Sunrice Village, The Gems Paradise II, Green Garden Hill, Sun Home Lộc Quảng, Green Life, Mimosa Garden, Làng sinh thái An Khuê 2, Tea Village, Hưng Long Centuary...
Mô típ “kéo khách” của các nhà đầu tư ở Bảo Lộc, sau khi hiến đất làm đường, họ san gạt cả quả đồi, chặt bỏ cây trồng như cà phê, trà… sau đó trải đá dăm làm đường thành từng ô bàn cờ, đồng thời quảng cáo rầm rộ trên mạng để thu hút khách hàng.
Những khách hàng mà chủ đầu tư nhắm đến là giới đầu cơ lắm tiền, thích lướt sóng. Giá trị của những lô đất được “thổi” liên tục tạo tâm lý ai chậm chân sẽ mất tiền tỷ.
Bên trong "dự án" La Melodie xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: T.H. |
Trở lại Bảo Lộc dịp này, không còn cảnh hàng trăm ôtô xếp hàng dọc các con đường trải đá dăm, thậm chí bùn sình lầy để xem “dự án” view triệu đô.
Thay vào đó là không gian tĩnh lặng vốn có của phố núi Bảo Lộc, những khu vực được quảng cáo “dự án” view triệu đô hoàng tráng một thời thì nay cỏ dại mọc um tùm, đường sá hư hỏng, nhà mẫu xuống cấp rêu mốc phủ bám. Trước các một số “dự án” cũng không còn cảnh bảo vệ sẵn sàng xua đuổi người lại xâm nhập, nếu không phải là khách hàng do cò dẫn đến coi đất.
“Lâu lâu vẫn có người dẫn đến coi đất, nhưng không thấy giao dịch gì. Họ chỉ đi xem qua rồi rời đi chứ không lưu lại lâu như trước”, anh Huy, ngụ xã Đam B’ri cho biết.
Bán cắt lỗ cũng không ai mua
Thời điểm năm 2020, đầu 2021, giá bất động sản ở Bảo Lộc được xem là đạt đỉnh.
Từ những khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm biến thành “dự án” view triệu đô có giá cao ngất ngưỡng. Từ giá trị chỉ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/m2, các khu đất được chủ đầu tư hô biến thành “dự án” rồi đẩy giá tăng lên gấp cả chục lần.
“Cảm giác làm giàu lúc đó rất dễ, mình chỉ cần nhanh tay xuống tiền, một ngày sau có thể lời vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Thậm chí người mua chỉ cần số tiền 50-100 triệu đặt cọc, sau vài tiếng đã thu về vài trăm triệu tiền sang tay”, môi giới Hoàng nói.
Những căn nhà mẫu xuống cấp, bỏ hoang ở "dự án" từng gây sốt Bảo Lộc. Ảnh: T.H. |
Cũng theo cò Hoàng, chính tâm lý đó đã khiến không ít người “ngã ngựa” trong đó có anh.
“Lúc đầu mình chỉ là cò bất động sản ăn tiền phần trăm các lô đất bán được, nhưng sau đó tôi thấy nếu là chủ đầu tư sẽ lãi nhiều hơn nên quyết định huy động vốn, vay thêm ngân hàng mua cả chục lô. Lúc đầu cũng bán được, nhưng sau khi báo chí, chính quyền vào cuộc bất động sản đứng im. Giờ đất đứng giá không bán được mà tiền lãi ngân hàng cũng phải trả. Nhiều lúc thấy bế tắc vì áp lực nợ nần”, Hoàng thừa nhận.
Tương tự, chị L.P. - một cò đất có tiếng tại TP Bảo Lộc, cũng đang “lao đao” vì ôm nhiều bất động sản lúc giá đạt đỉnh.
Chị P. cho biết thời điểm này năm ngoái gần như không ngủ vì phải dẫn khách đi xem đất. “Có những hôm tôi chốt đến 10 lô đất/ngày. Lúc đó mua bán rất dễ, chỉ cần có đất còn giá cả thay đổi từng giờ”, chị P. nhớ lại.
Giống như Hoàng, chị P. vì thấy lợi nhuận nên cũng đổ vốn lao theo cơn sốt đất. "Lúc đó công việc cò đất mình cũng kiếm được khá khá nên quyết định đầu tư vì giá đất lên liên tục. Mình gom toàn bộ tiền đầu tư 3 lô để dành chờ giá đất tăng kiếm lời nhưng thị trường đứng im mà chưa kịp bán”, chị P. tâm sự.
Hồi tháng 10, chị P. được bạn rủ hùn vốn mở cửa tiệm làm ăn nên quyết định bán 3 lô đất đã đầu tư. “Rao 2 tháng nay mà chưa ai chốt lô nào. Đầu tháng 11 mình hạ giá, bán rẻ hơn giá gốc để bán cho được nhưng cũng chưa thấy ai mua hay đặt vấn đề”, chị P. nói.
Theo khảo sát, không riêng gì chị P., anh Hoàng mà nhiều cá nhân đã đầu tư vào các “dự án view triệu đô” ở Bảo Lộc nay cũng đứng ngồi không yên.
“Những người đầu tư chủ yếu là dân lướt sóng, đầu cơ thổi giá. Giờ những người ôm đất chỉ bán cho nhau chứ người cần rất khó mua vì giá quá cao, chưa tính chính quyền đã siết các quy định nên không dễ để nhà đầu tư thu hồi vốn dù đã hạ giá thấp hơn giá gốc lúc mua”, một cò bất động sản ở Bảo Lộc phân tích.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hau-con-loc-sot-dat-o-bao-loc-412708.html