Châu Âu tìm nguồn cung thay thế Nga tại châu Phi. Nhà máy khí đốt Kechba tại Algeria. (Nguồn: Sputnik)
Châu Phi "thức giấc"
Châu Phi cũng sẵn sàng bán những nhiên liệu nói trên.
Senegal và Mauritania đang có kế hoạch vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến Đức.
Chính phủ Senegal dự kiến sẽ cung cấp cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu 2,5 triệu tấn khí đốt từ năm 2023 và nhiều nhất là 10 triệu tấn vào năm 2030.
Liên minh châu Phi (AU) cũng đang thúc đẩy xây thêm cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia như Nam Phi và Tanzania sở hữu những cánh đồng hoang sơ, đủ điều kiện để thực hiện kế hoạch này.
“Đây thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với châu Phi. Không chỉ châu Âu, châu Phi có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu”, Giám đốc điều hành Ủy ban năng lượng châu Phi Rashid Ali Abdallah nhấn mạnh.
Cho đến nay, chỉ 6% lượng khí hóa thạch trên thế giới được sản xuất ở châu Phi, một lục địa mà biến đổi khí hậu đang tàn phá mùa màng, nhà cửa và 600 triệu người không được sử dụng điện.
Từ Nigeria đến Ai Cập và Algeria đến Mozambique, các quốc gia trên khắp lục địa đang thúc đẩy khai thác nhiều khí đốt hơn - để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng Uganda Ruth Nankabirwa Ssentamu cho biết: “Châu Phi đã 'thức giấc' và chúng tôi sẽ khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình".
Theo Al Jazeera, mỏ khí đốt gần bờ biển Senegal và Mauritania - dự án khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - đang mang đến triển vọng về nguồn cung ứng năng lượng mới. Mỏ khí đốt này được dự báo có trữ lượng khoảng 425 tỉ m³, gấp 5 lần so với lượng khí đốt mà Ðức tiêu thụ trong năm 2019.
Gordon Birrell, Giám đốc điều hành công ty dầu khí BP (Anh) cho rằng, dự án được triển khai “không thể đúng lúc hơn” trong bối cảnh nhiều nước châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm.
Theo Al Jazeera, các nhà lãnh đạo châu Âu gần đây đã "đổ xô" đến các nước như Na Uy, Qatar, Azerbaijan và đặc biệt là các nước ở Bắc Phi.
Algeria có đường ống dẫn đến Italy và một đường ống khác đến Tây Ban Nha. Tháng 7 vừa qua, Italy đã ký hợp đồng khí đốt trị giá 4 tỷ USD với Algeria, tức một tháng sau khi Ai Cập đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và Israel để thúc đẩy việc bán LNG.
Không khả thi về dài hạn?
Xuất khẩu dầu khí đốt là nguồn thu chính của nhiều nước châu Phi, chiếm từ 50-80% tổng doanh thu của chính phủ ở một số nước. Phần lớn khí đốt được sản xuất ở châu Phi được xuất khẩu.
Châu Phi có trữ lượng khí tự nhiên dồi dào, một số nước Bắc Phi như Algeria đã mở các tuyến đường ống kết nối với châu Âu. Tuy nhiên, hạ tầng yếu kém cùng với những thách thức an ninh là nhân tố khiến các nhà sản xuất tại châu lục do dự tăng sản lượng xuất khẩu.
Đơn cử như Nigeria có tiềm năng khí đốt đứng đầu châu Phi. Dù vậy, sản lượng xuất khẩu LNG của nước này mới chỉ chiếm khoảng 14% mức nhập khẩu của EU.
Bên cạnh đó, theo ông Kofi Mbuk, nhà phân tích công nghệ tại tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker, cho biết: “Sự 'thèm muốn' của châu Âu đối với khí đốt từ miền Nam toàn cầu, trong trường hợp này là châu Phi, sẽ cạn kiệt. Các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào các đường ống dẫn khí đốt mới của châu Phi có nguy cơ mất giá cao trong vòng vài năm tới".
Các dự án LNG đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch trên toàn thế giới - nếu được thực hiện - sẽ tiêu tốn 10% ngân sách carbon còn lại, theo một báo cáo được công bố hôm thứ Tư bởi Climate Action Tracker, một dự án nghiên cứu của hai viện nghiên cứu môi trường.
Đến năm 2030, lượng cung LNG dư thừa tương đương gần 5 lần lượng khí đốt Nga nhập khẩu của EU vào năm 2021.
Ông Bill Hare, Giám đốc điều hành của Climate Analytics nhận định: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đã thay thế cuộc khủng hoảng khí hậu. Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng các cơ sở LNG được đề xuất, phê duyệt và đang được xây dựng vượt xa những gì cần thiết để thay thế khí đốt của Nga."
Theo Climate Analytics, AU dự kiến xuất khẩu khí đốt sẽ giảm trong trung hạn do các nước giàu chuyển dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Khí đốt nên được sử dụng tại thị trường nội địa để thúc đẩy quá trình điện khí hóa cho khoảng 600 triệu người châu Phi vẫn sống thiếu điện ngày nay.
Link nội dung: https://biztoday.vn/khung-hoang-nang-luong-lao-dao-vi-thieu-nga-chau-au-do-xo-den-chau-phi-tim-khi-dot-413264.html