Đề nghị này của cơ quan điều hành giá đưa ra một ngày, sau công điện của Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cập nhật, tính toán để điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu tại kỳ điều hành giá ngày 21/11 tới.
Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đang được tính dựa trên giá cơ sở - mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Các chi phí kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp báo cáo, gồm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng, trong đó các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không gồm thuế VAT.
"Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của thông tin, số liệu báo cáo", Bộ Tài chính lưu ý.
Bộ này cũng để nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu so sánh, phân tích và đánh giá tính bất thường, cũng như tác động của các chi phí trên tới kinh doanh. Các số liệu được đề nghị gửi về Bộ Tài chính ngày 15/11.
Gần nhất, chi phí kinh doanh xăng dầu đã được cơ quan quản lý giá tăng tối đa 660 đồng một lít và điều chỉnh vào giá cơ sở tại kỳ điều hành ngày 11/11. Sau điều chỉnh, chi phí với E5 RON 92 hiện là 640 đồng một lít; RON 95 lên 1.280 đồng một lít... Việc điều chỉnh chi phí này cũng làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel 50 đồng một lít; xăng RON 95 gần 150 đồng mỗi lít và dầu hỏa hơn 720 đồng.
Theo Bộ Tài chính, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây được doanh nghiệp nhập về. Chẳng hạn, ngày 20/10 lô hàng được Petrolimex nhập về cảng có chi phí mỗi lít xăng nền RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) là 359 đồng; RON 95 là 819 đồng một lít.
Ngày 6/11, lô hàng tiếp theo doanh nghiệp này nhập về có chi phí lần lượt 458 đồng và 803 đồng một lít với RON 92 và RON 95. Các chi phí này đều thấp hơn mức cơ quan quản lý điều chỉnh.
Thực tế, chi phí định mức là một cấu phần trong điều hành cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước. Việc nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM thiếu xăng cục bộ trong tháng 10, đầu tháng 11, theo các chuyên gia là điều bất thường. Vì thế, ngoài điều chỉnh chi phí, việc điều hành, điều phối nguồn cung của Bộ Công Thương cần sát thị trường, cũng như dự báo khu vực nào sẽ thiếu cung để điều phối, điều hành linh hoạt từ khu vực còn tồn kho lớn về nơi thiếu.
Liên quan tới đảm bảo nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương hôm 12/11 có công điện yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải ký cam kết cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Yêu cầu của bộ này đưa ra sau chỉ đạo của Thủ tướng về khắc phục ngay thiếu hụt xăng dầu trên thị trường.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bo-tai-chinh-tinh-dieu-chinh-tiep-chi-phi-kinh-doanh-xang-dau-413285.html