Tòa soạn Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn nhận được thông tin của người dân liên quan đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có dấu hiệu buông lỏng, cho các doanh nghiệp thuê và sử dụng đất sai mục đích.
Với mong muốn cập nhật và ghi nhận thông tin thực tế, khách quan, đa chiều, phóng viên đã đến liên hệ với UBND xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội để ghi nhận và nắm bắt sự việc.
Tại văn phòng của xã ngày 05/04/2022, một người phụ nữ không mang thẻ cán bộ đã gặp và trao đổi với phóng viên khi đến làm việc xuất trình giấy giới thiệu. Thì ngay lập tức người phụ nữ này phản ứng cho rằng giấy giới thiệu mà tòa soạn gửi đến là chưa đủ, phóng viên phải có thẻ nhà báo thì mới đủ điều kiện làm việc.
Trước sự việc trên, phóng viên có đề nghị người phụ nữ này giải thích về lý do không tiếp nhận giấy giới thiệu của phóng viên, đồng thời yêu cầu người phụ nữ này ghi rõ lý do không tiếp nhận giấy giới thiệu nhưng đã bị người phụ nữ này từ chối.
Nhằm “cắt đuôi” câu chuyện, người phụ nữ này dõng dạc nói: “quan điểm của ủy ban xã em là thứ nhất các anh là nhà báo các anh có thẻ nhà báo, thứ hai là anh có giấy giới thiệu”.
Tiếp đó, người phụ nữ này xin phép phải đi có việc và trả lại toàn bộ giấy tờ, giấy giới thiệu lại cho phóng viên mà không xác nhận bất cứ lý do gì!
Trước sự việc trên khiến phóng viên phải đặt câu hỏi về thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp nhận thông tin của các cơ quan báo chí, phải chăng cán bộ UBND xã Phúc Tiến không hiểu luật hay cố tình gây khó khăn khi báo chí tác nghiệp? Người phụ nữ trên là cán bộ nhưng không chấp hành quy định của cơ quan tổ chức, không mang thẻ cán bộ trong giờ hành chính?
Ngay khi xảy ra sự việc trên, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND huyện Phú Xuyên để làm rõ những bất cập về quản lý đất đai trên địa bàn xã Phúc Tiến cũng như làm rõ có hay không việc huyện Phú Xuyên chỉ đạo chính quyền xã về việc chỉ làm việc và cung cấp thông tin với người có thẻ nhà báo?
Chỉ thị 26/CT-TTg ban hành ngày 05/09/2016 của Thủ tướng chính phủ quy định rõ ràng: Cán bộ, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì phải đeo thẻ cán bộ, viên chức, nhân viên để đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp.
Đối với người có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định mức phạt khác nhau cho từng loại hành vi. Cụ thể:
- Cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.