Thế Giới Di Động (MWG): Lợi nhuận tiếp tục sụt giảm, hơn 1.000 tỷ nợ trái phiếu đến hạn trả gốc

MWG có khoản nợ vay trái phiếu 1.134 tỷ đồng nhằm bổ sung nhu cầu vốn kinh doanh với tài sản đảm bảo là tín chấp. Trái chủ cho khoản vay trái phiếu của MWG là các công ty bảo hiểm quốc tế có văn phòng ở Việt Nam gồm: Manulife, Prudential, AIA, Chubb, Sun Life. Lãi suất của các khoản vay trái phiếu này là 6,55%/năm, kỳ hạn trả gốc vào ngày 17.11.2022.

Dữ liệu tài chính quý 3 cho thấy, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã chứng khoán: MWG) đạt 32.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 21% lên 249 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng 164% lên 434 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 25% lên 5.342 tỷ đồng. Bù lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 68% còn 316 tỷ đồng. Kết quả, Thế giới Di động báo lãi sau thuế 906 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng của MWG trong quý 3 được so sánh với mức nền thấp trong cùng kỳ năm 2021, khi công ty phải đóng cửa hàng nghìn điểm bán để chống dịch. Tính từ đầu năm đến nay, lợi nhuận của Thế giới Di động đang có chiều hướng sụt giảm liên tiếp, từ mức 1.444 tỷ đồng xuống 906 tỷ đồng.

Thế giới di động (MWG): Lợi nhuận tiếp tục sụt giảm, hơn 1.000 tỷ nợ trái phiếu đến hạn trả gốc -0 Diễn biến lợi nhuận sau thuế của MWG (Đơn vị: tỷ đồng).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu 102.816 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.480 tỷ đồng, tăng khoảng 4%. 

Năm nay, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng, tăng 14% và 30% so với kết quả thực hiện của năm 2021. Như vậy với kế hoạch lợi nhuận đặt ra, doanh nghiệp mới đi được một nửa chặng đường sau 9 tháng.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của MWG tại thời điểm cuối quý 3 đạt 61.282 tỷ đồng, giảm gần 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Khoản giảm chủ yếu từ đầu tư tài chính ngắn hạn (từ hơn 14.000 tỷ đồng xuống còn gần 9.000 tỷ đồng). 

Các khoản phải thu ngắn hạn, tài sản dở dang dài hạn cũng tăng đáng kể. Ngoài ra, công ty còn phát sinh 231 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn trong khi đầu năm không ghi nhận. Trong đó có 181 tỷ đồng góp vốn vào PT Era Blue Elektronic. Hoạt động chính của công ty này là kinh doanh thiết bị di động, thiết bị điện máy, đồ dùng gia đình và các thiết bị, máy móc khác tại Indonesia.

Nợ phải trả của MWG là gần 38.000 tỷ đồng, giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Khoản giảm chủ yếu đến từ nợ phải trả người bán ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn, đặc biệt là vay nợ ngắn hạn (giảm từ hơn 24.600 tỷ đồng xuống gần 17.000 tỷ đồng). Ngược lại, công ty phát sinh gần 6.000 tỷ đồng nợ vay dài hạn trong khi đầu năm không ghi nhận.

Tính đến ngày cuối tháng 9, Theo đó, MWG có khoản nợ vay trái phiếu 1.134 tỷ đồng nhằm bổ sung nhu cầu vốn kinh doanh với tài sản đảm bảo là tín chấp. Trái chủ cho khoản vay trái phiếu của MWG là các công ty bảo hiểm quốc tế có văn phòng ở Việt Nam gồm: Manulife, Prudential, AIA, Chubb, Sun Life. Lãi suất của các khoản vay trái phiếu này là 6,55%/năm, kỳ hạn trả gốc là vào ngày 17.11.2022.

Dữ liệu lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho thấy, dù thu được từ đi vay số tiền hơn 53.000 tỷ nhưng tiền trả nợ gốc vay lại lên mức hơn 54.000 tỷ đồng nên hết quý 3, dòng tiền tài chính của MWG đang âm 2.368 tỷ đồng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/the-gioi-di-dong-mwg-loi-nhuan-tiep-tuc-sut-giam-hon-1000-ty-no-trai-phieu-den-han-tra-goc-414094.html