Ảnh minh họa
Mới đây ông T. phản ánh đến báo ĐTTC, cho biết mình bị các nhân viên kinh doanh của công ty bất động sản Đ.P.Q ở Thủ Đức (TPHCM) cố tình ép “xuống cọc” ngoài ý muốn tại một dự án ở Bàu Bàng (Bình Dương).
Theo phản ánh, ông T. (năm nay ngoài 70 tuổi) có nhu cầu lên mạng tìm kiếm mua một căn nhà nhỏ tại TPHCM cho người con. Thấy một mẩu quảng cáo về một căn nhà cần bán vị trí, diện tích và giá bán quá phù hợp với kế hoạch của ông nên hẹn đi xem nhà. Điểm hẹn là một quán cà phê ở Bình Thạnh, tuy nhiên đến nơi “chủ nhà” cho biết căn nhà nói trên đã bán ngày hôm qua và giới thiệu “có dự án đất nền ở Bình Dương, bác đi xem ưng thì mua một lô để vài ngày có người mua lại có lời ngay”.
Chưa kịp quyết định ông T. đã bị nhân viên “áp giải” lên xe 50 chỗ cùng với một số khách hàng khác. Xe chạy một mạch lên huyện Bàu Bàng, tại đây các nhân viên tư vấn giới thiệu tiềm năng, pháp lý của dự án và sau đó yêu cầu ông T. đặt cọc. Ông T. cho biết không mang theo tiền, ngay lập tức nhân viên ứng cho mượn 50 triệu đồng để ông T. xuống tiền đặt cọc.
Hợp đồng đặt cọc 50 triệu đồng của ông T. với nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng.
Về đến nhà ông T. mở các giấy tờ liên quan ra xem thì ngoài “phiếu xác nhận đặt cọc” 50 triệu đồng còn có “Thỏa thuận đặt cọc”. Thông tin từ các điều khoản trong “Thỏa thuận đặt cọc” có ghi ông T. đã tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, tự nguyện đặt cọc, chấp nhận các điều khoản thanh toán… trong vòng 7 ngày kể từ ngày đặt cọc phải tiến hành ký “Hợp đồng đặt cọc” và tiến hành thanh toán như các điều khoản trong “Hợp đồng đặt cọc” nếu không thực hiện sẽ mất 50 triệu đồng tiền cọc.
Sau khi về nhà, hàng ngày nhân viên môi giới liên tục điện thoại thúc giục ông T. đến ký “Hợp đồng đặt cọc” và trả lại số tiền nhân viên đã ứng trước. “Tôi bị ép đặt cọc, giờ về xem lại các điều khoản không có gì chắc chắn cả, dự án lại quá xa, pháp lý không biết như thế nào nên tôi không muốn ký hợp đồng nữa”- ông T. chia sẻ.
Cũng giống ông T., nhiều nạn nhân chia sẻ thêm một số “chiêu” các môi giới dụ dỗ khách hàng. Thí du, sau khi đặt cọc lô đất xong, môi giới thông báo có khách hàng cần mua gấp lô đất mà nạn nhân đang “ôm” với giá chênh lệch 100-200 triệu đồng, nhưng để bán được phải thanh toán xong đợt 1, đợt 2. Đến khi thanh toán xong thì được thông báo khách hàng trên không còn nhu cầu mua nữa.
Hay một chiêu khác, nhân viên thông báo có người cần mua 3 lô liền kề lô nạn nhân với giá rất cao, nên nạn nhân hãy mua trước 2 lô kế bên để bán cho khách hàng kia. Tuy nhiên khi nạn nhân đóng tiền đợt 1 hoặc 2 đợt, hay mua xong 2 lô liền kề thì khách hàng trên… đổi ý không mua nữa. Thế là nạn nhân rơi vào tình thế “phóng lao phải theo lao”, không biết bao giờ mới “về đích”, chấm dứt hợp đồng thì mất hàng trăm triệu đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tai-dien-tinh-trang-lua-khach-ep-dat-coc-mua-dat-vung-xa-415313.html