Cụ thể, Công ty Chứng khoán SmartInvest vừa thông báo bán giải chấp 1.710.682 cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát từ ngày 17/11.
Trước đó, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank cho biết sẽ bán giải chấp 2,3 triệu cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Hải Phát từ ngày 16/11.
Được biết, tính tới phiên sáng ngày 17/11, cổ phiếu HPX tiếp tục giảm sàn 1.100 đồng về 15.000 đồng/cổ phiếu với dư bán sàn hơn 27 triệu cổ phiếu. Nếu tính từ ngày 26/11/2021 đến nay, cổ phiếu HPX đã giảm 62,5% từ 40.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, đã có tối thiểu 2 Công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hơn 4 triệu cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải.
Ở một diễn biến khác, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - mã chứng khoán BSI) ngày 14/11/2022 đã ra thông báo loại mã cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát ra khỏi danh mục chứng khoán được phép ký quỹ tại BSC từ ngày 14/11/2022.
Ngược lại, từ ngày 18/11 đến ngày 16/12, ông Đỗ Quý Hải và em trai Đỗ Quý Thành vừa đồng loạt đăng ký mua vào 5 triệu và 5 triệu cổ phiếu HPX để nâng sở hữu.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, Đầu tư Hải Phát đang có 4 lô trái phiếu thế chấp bằng cổ phiếu.
Trong đó, lô trái phiếu có mã HPXH2123004 phát hành ngày 6/7/2021, kỳ hạn 18 phát và mệnh giá 100 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu là cổ phiếu HPX và đơn vị đăng ký là Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Như vậy, so với thời điểm phát hành lô trái phiếu HPXH2123004, cổ phiếu HPX đã giảm 49,6% giá trị từ giá 29.740 đồng/cổ phiếu.
Lô thứ hai có mã HPXH2123008 phát hành ngày 28/10/2021, kỳ hạn 24 tháng với mệnh giá 250 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo là cổ phiếu HPX và các tài sản khác, đơn vị lưu ký là chứng khoán Dầu khí.
Như vậy, so với ngày phát hành tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu HPX đã giảm 54,7% từ giá 33.100 đồng/cổ phiếu.
Lô thứ ba có mã HPXH2124001 phát hành ngày 5/5/2021, kỳ hạn 36 tháng với mệnh giá 650 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo là 1.234.311 cổ phiếu HPX của ông Lê Việt Dũng và các bất động sản khác. Được biết, đơn vị quản lý và lưu ký là Ngân hàng Quân Đội.
Như vậy, so với thời điểm phát hành lô trái phiếu thứ ba, giá cổ phiếu HPX đã giảm 50,2% từ 30.130 đồng/cổ phiếu.
Lô thứ tư có mã HPXH2124009 phát hành ngày 25/11/2021, kỳ hạn 36 tháng với mệnh giá 250 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo là 18,3 triệu cổ phiếu HPX (18,16 triệu cổ phiếu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát và 140.000 cổ phiếu của ông Phan Văn Điền). Lô trái phiếu được đăng ký và lưu ký bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Như vậy, so với thời điểm phát hành lô trái phiếu thứ 4, giá cổ phiếu HPX đã giảm 60,8% từ 38.300 đồng/cổ phiếu.
Nói tóm lại, cả 4 lô trái phiếu được phát hành và có tài sản đảm bảo, kể từ khi phát hành cổ phiếu HPX đã giảm từ 49,6% đến 60,8%, điều này đồng nghĩa giá trị tài sản đảm bảo đã giảm đáng kể so với thời điểm phát hành.
Việc giá trị tài sản đảm bảo của 4 lô trái phiếu trên sẽ giảm mạnh, nếu giá trị tài sản đảm bảo giảm quá giá trị lô trái phiếu, doanh nghiệp có thể sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo giống các trường hợp gần đây của DIC Corp (mã DIG).
Trong đó, sau khi cổ phiếu DIG giảm giá và Ban lãnh đạo và người liên quan của DIC Corp liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, đơn vị này đã phải bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu phát hành.
Cụ thể, ngày 8/11, DIC Corp thay đổi 110 triệu cổ phiếu DIG làm tài sản đảm bảo thành 79,2 triệu cổ phiếu, tức giảm 30,8 triệu cổ phiếu. Trong đó, Công ty bị bán giải chấp 55 triệu cổ phiếu và thế chấp bổ sung 24,2 triệu cổ phiếu DIG từ việc chia cổ tức và cổ tức thưởng.
Đồng thời, DIC Corp cũng đã phải bổ sung 80 bất động sản tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai làm tài sản đảm bảo thay cho 3 lô trái phiếu thay thế cho 55 triệu cổ phiếu của bên thứ ba vừa bị bán giải chấp.
Điểm đáng lưu ý, tài sản đảm bảo của 3 lô trái phiếu trên là toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác tiêu thụ sản phẩm Dự án Khu Đô thị du lịch Long Tân với diện tích 331,9 ha tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; và cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát hành từ số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng mà Công ty sở hữu.
Theo tìm hiểu, tính tới 30/9/2022, DIC Corp đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 5.301,99 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng nguồn vốn và bằng 70,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Công ty thuyết minh có tổng dư nợ 3.417,34 tỷ đồng trái phiếu.
DIC Corp thuyết minh trái phiếu DIGH2124001 phát hành ngày 16/09/2021 với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 16/9/2024; trái phiếu DIGH2124002 phát hành ngày 30/9/2021 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 30/9/2024; và lô trái phiếu DIGH2124003 phát hành ngày 26/11/2021 với tổng mệnh giá 1.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 26/11/2024.
Quay trở lại với 4 lô trái phiếu của Đầu tư Hải Phát, tài sản đảm bảo của 4 lô trái phiếu đã giảm tương đối mạnh so với thời điểm hành, nếu tiếp tục giảm làm cho giá trị tài sản đảm bảo dưới giá trị dư nợ, đơn vị này sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo.
Tính tới 30/9/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.
Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ong-do-quy-hai-tiep-tuc-bi-ban-giai-chap-them-hon-17-trieu-co-phieu-hpx-415629.html