Tại TP.HCM, nhiều khách hàng đóng tiền mua nhà cho doanh nghiệp, nhưng sau nhiều năm mở bán, dự án vẫn "đắp chiếu" và không rõ ngày hoàn thành.
Đơn cử là câu chuyện của tập thể khách hàng mua nhà ở tại bộ đôi dự án High Intela, West Intela tại quận 8 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư, đơn vị phân phôi và phát triển là LDG Group. Cả 2 dự án này đã mở bán, chào hàng ra thị trường TP.HCM từ những năm 2017, 2018 nhưng đến nay đều đã ngưng triển khai. Khách hàng ròng rã nhiều năm lên trụ sở công ty đi đòi lại tiền, thậm chí gửi đơn thư đến cơ quan chức năng, song, kết quả vẫn không khả quan.
Ngày 14/7/2022, tập thể khách hàng (32 khách hàng) mua nhà ở tại 2 dự án nêu trên có gửi đơn đến Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM phản ánh liên quan đến điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai và tranh chấp liên quan đến thỏa thuận đặt cọc mua căn hộ tại dự án tại dự Khu chung cư cao tầng tại số 69 An Dương Vương, phường 16, quận 8 (West Intela) và Chung cư cao tầng tại đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8 (High Intela).
Sau đó, đầu tháng 10/2022, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã có phản hồi đến khách hàng.
Cụ thể, dự án West Intela được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng số 160 (phần ngầm) ngày 6/8/2018, quy mô 1 hầm. Công trình được UBND TP.HCM chấp thuận và điều chỉnh tại Quyết định số 3732 ngày 17/7/2017, Quyết định số 6896 ngày 10/12/2015. Hiện trạng dự án đã thi công xong phần ngầm và ngừng thi công.
Dự án High Intela được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng số 162 (phần ngầm) ngày 9/8/2018. Công trình được UBND TP.HCM chấp thuận và điều chỉnh tại Quyết định số 2826 ngày 9/7/2018, Quyết định số 6897 ngày 10/12/2015. Hiện trọng dự án đã thi công xong phần ngầm và ngừng thi công.
Hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM chưa ban hành văn bản đủ điều kiện được huy động vốn (theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 của Luật Nhà ở) hoặc văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (theo quy định tại Khoản 3 Điều 69 của Luật Nhà ở).
Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM nhận thấy, việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Nam Sài Gòn ký thỏa thuận đặt cọc mua căn hộ tại dự án với khách hàng là tranh chấp về dân sự. Do đó, phía Thanh tra Sở này đã đề nghị khách hàng liên hệ bên tòa án để được giải quyết theo thẩm quyền.
Chị V.T.M, khách hàng mua dự án nêu trên cho biết, năm 2018, 2019, 2 dự án của LDG Group làm chủ đầu tư, được quảng cáo rầm rộ. Chủ đầu tư đưa ra thông tin đây là dự án căn hộ 4.0, vị trí giao thông thuận lợi, giá cả phải chăng, phù hợp cho đối tượng người trẻ với kế hoạch mua nhà để ở. Cũng chính vì vậy mà rất nhiều khách hàng đã đặt cọc để mua nhà ở 2 dự án này.
Người mua ký thoả thuận đặt cọc và thanh toán cho chủ đầu tư 20% giá trị căn hộ. Đến nay, đã gần 4 năm trôi qua, chủ đầu tư đã thực hiện 2 lần mở bán và người mua cũng đã thực hiện rất nhiều giao dịch mua đi bán lại theo hình thức được chủ đầu tư hỗ trợ sang tên nhưng cả 2 dự án cũng chỉ dừng lại ở phần móng, không biết khi nào mới tiếp tục.
"Chủ đầu tư đổ lỗi do sự chậm trễ của cơ quan hành chính nhà nước trong việc định giá đất, dồn tất cả những thiệt hại về phía khách hàng, khiến chúng tôi lâm vào cảnh nhà không có để ở, tiền cũng không lấy lại được. Cuộc sống sau đại dịch COVID-19 đã khó khăn, thì nay lại càng khó khăn gấp bội", chị V.T.M bức xúc và nói rằng, đến này việc đi đòi lại tiền của mình cũng như nhiều khách hàng khác cũng nan giải, trầy trật.
Công ty TNHH Siêu Thành được thành lập năm 2008, đến năm 2016, ông Trịnh Minh Thanh mua lại toàn bộ công ty này. Năm 2018, Công ty Siêu Thành thực hiện dự án xây dựng chung cư Nam An (Kingway Tower) phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là Võ Thị Phượng với chức danh Giám đốc công ty.
Nhiều khách hàng đã tin tưởng chủ đầu tư, ký hợp đồng mua căn hộ Kingway Tower. Đến cuối năm 2019, Sở Xây dựng TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do thi công dự án Kingway Tower không đúng với nội dung trong giấy phép xây dựng. Thời điểm đó, dự án đã xây dựng phần thô đến tầng 20.
Sau đó, Sở Xây dựng TP.HCM cấp phụ lục giấy phép cho Công ty Siêu Thành và yêu cầu công ty này đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng công ty vẫn không tiếp tục dự án.
Đến tháng 3/2020, Công ty Siêu Thành thông báo đến khách hàng về việc ngừng thi công công trình do gặp khó khăn về tài chính vì tình hình COVID-19. Tiếp theo, công ty dời trụ sở, cắt liên lạc với khách hàng. Nhiều khách hàng không nhận được nhà đúng tiến độ đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Ngày 12/11/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Võ Thị Phượng và Trần Thị Thùy Trang (quê Tiền Giang) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết luận điều tra, Trịnh Minh Thanh, Võ Thị Phượng và Trần Thị Thùy Trang đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của khách hàng với thủ đoạn sử dụng pháp nhân công ty ký hợp đồng, bán trùng một căn hộ cho nhiều người. Trước đó, ngày 23/4/2021, Trịnh Minh Thanh ra đầu thú và bị khởi tố, truy nã về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Khang Gia.
Trịnh Minh Thanh không đứng tên trên giấy phép thời điểm xảy ra sự việc mà đang đứng tên Công ty Khang Gia. Nhưng, Thanh thuê Phượng làm người đại diện pháp luật cho công ty. Tháng 5/2018, Siêu Thành chính thức mở bán căn hộ Kingway Tower, Phượng được Thanh chỉ đạo trực tiếp ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng.
Điểm đáng chú ý, Phượng đã bán trùng 27 căn hộ cho 50 khách hàng khác nhau, có khách hàng mua cùng lúc nhiều căn hộ. Đến nay, cơ quan CSĐT xác định, tổng số tiền khách hàng nộp để mua căn hộ tại dự án Kingway Tower là hơn 419 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền của khách nộp ngoài tài khoản công ty bị chiếm đoạt hơn 150,7 tỷ đồng.
Còn Trang đã ký bán 42 căn hộ, trong đó, có 27 căn hộ ký bán cho khách hàng đã được Phượng ký bán trước đó. Trang yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không nộp về Siêu Thành rồi chiếm đoạt số tiền gần 27 tỷ đồng.
Một trường hợp khác liên quan đến Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hoàng Huỳnh Gia. Cụ thể, ngày 9/6/2022, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thông báo về việc điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua hình thức bán đất nền dự án không có thật, xảy ra tại Công ty Hoàng Huỳnh Gia, quận Gò Vấp, TP.HCM. Huỳnh Tấn Lộc là Chủ tịch HĐQT công ty.
Quá trình điều tra, Công an TP.HCM xác định Huỳnh Tấn Lộc dù chưa được bàn giao đất, chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư dự án nhưng sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Huỳnh Gia tự lập bản vẽ phân lô nền đất, lập giả dự án mang tên Khu đô thị Huỳnh Gia City, Hàm Thuận Nam, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Sau đó, Lộc quảng cáo mở bán nhằm mục đích tạo niềm tin, ký kết các hợp đồng đặt cọc và thanh toán, từ đó thu tiền của các khách hàng chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ngày 25/1/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Huỳnh Tấn Lộc, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đồng thời, thông báo đến những người bị hại.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong phần thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) vi phạm pháp luật khi ký hợp đồng giao dịch với người mua, nhận chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện, thậm chí lừa đảo.
Ví dụ như vụ án liên quan đến Tập đoàn Địa ốc Alibaba cùng nhiều DN khác tìm cách lách luật, huy động vốn của người dân thông qua thỏa thuận các hợp đồng nguyên tắc để bán, chuyển nhượng, thỏa thuận đặt cọc, thỏa thuận đăng ký giữ chỗ…
Khi thị trường có biến động hoặc diễn biến không có lợi cho DN thì đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc kiện ra tòa để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Các rủi ro về mặt pháp lý sẽ gây ra hậu quả tương tự như việc phát hành trái phiếu mà không có tài sản bảo đảm đã xảy ra trong thời gian qua, trước mắt là nguy cơ dẫn đến các tranh chấp, khiếu kiện, làm mất nhiều thời gian, chi phí của cá nhân, tổ chức và cả Nhà nước, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
"Để lành mạnh và minh bạch hóa thị trường BĐS thì một trong những yếu tố quan trọng là phải tăng cường hoạt động phòng ngừa rủi ro về mặt pháp lý, hạn chế nguyên nhân gây tranh chấp, khiếu kiện… Nhưng, hiện nay, dự thảo luật còn chưa thực sự chú trọng", đại biểu Hiển nêu.
Link nội dung: https://biztoday.vn/khi-chu-dau-tu-du-an-dem-con-bo-cho-416255.html