LienVietPostBank tiếp tục mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau 2 năm phát hành

Ngân hàng đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11 và mức giá mua lại là mệnh giá.

lienvietpostbank-1669172510.jpgLienVietPostBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỉ đồng lên 20.091 tỉ đồng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trong 9 tháng năm 2022 là hơn 142.000 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khối trái phiếu doanh nghiệp có một số ngân hàng thương mại như BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỉ đồng; VIB là 8.800 tỉ đồng; LienVietPostBank là 8.000 tỉ đồng; SHB là 5.450 tỉ đồng, TPBank là 4.900 tỉ đồng; OCB là 4.700 tỉ đồng...

LienVietPostBank tới đây (24/11) tiếp tục có kế hoạch mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau 2 năm kể từ ngày phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, với mức giá mua lại là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). Đây là điều khoản đã được công bố trong Bản công bố thông tin tại thời điểm phát hành. LienVietPostBank đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11. Đây là một trong những ngân hàng về đích sớm, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng với hơn 4.800 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 72% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt hơn 3.800 tỷ đồng. 

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 313.000 tỉ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. LienVietPostBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỉ đồng lên 20.091 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước trong thời gian qua đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP. So với Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP thì mức hiện tại vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/lienvietpostbank-tiep-tuc-mua-lai-1814-ti-dong-trai-phieu-sau-2-nam-phat-hanh-418573.html