Khách bay nội địa có xu hướng tăng mạnh
Theo thông tin của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 11/2022, đã có 8,67 triệu khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11/2021.
Kết quả vận chuyển trong 11 tháng năm 2022, đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 14,8% so với cùng kỳ 2019. Khách quốc tế đạt 9,8 triệu khách, tăng 2.041% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 74% so với cùng kỳ 2019.
Điều này cho thấy lượng khách quốc tế trở lại Việt Nam sau nhiều nỗ lực đã có sự cải thiện nhưng vẫn ít ỏi so với kỳ vọng.
Trong khi đó, số lượng hành khách nội địa có xu hướng tăng mạnh, đạt 81 triệu khách thông qua, tăng 191,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 18,4% so với cùng kỳ 2019.
Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 45 triệu khách, tăng 217,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vận chuyển 4,4 triệu khách quốc tế, tăng 3145,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 72,5% so với cùng kỳ 2019.
Với khách nội địa, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 40,5 triệu khách trong 11 tháng năm 2022, tăng 188,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, trao đổi với Người Đưa Tin trước đó, ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cũng cho hay nửa đầu năm 2022, mặc dù hoạt động vận tải hành khách nội địa phục hồi mạnh thậm chí vượt sản lượng cùng kỳ 2019, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của hãng này vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có trở ngại của việc khôi phục thị trường bay quốc tế.
Theo đó, thị trường quốc tế vốn chiếm 65% doanh thu của Vietnam Airlines trước khi dịch bệnh xảy ra, vẫn phục hồi chậm, mới đạt 11,7% so với cùng kỳ 2019.
Đối với hàng hóa, trong 11 tháng năm 2022, hàng không đã vận chuyển 1,28 triệu tấn hàng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng hàng quốc tế được vận chuyển là 1,02 triệu tấn, giảm 1% và hàng hóa nội địa là 260 nghìn tấn, giảm 6,5%.
Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 259.000 tấn hàng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 36 % so với cùng kỳ 2019. Sản lượng hàng hóa quốc tế được hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 129.000 và hàng hóa nội địa đạt 130.000 tấn. Lượng hàng hóa nội địa giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 44,7% so với cùng kỳ 2019.
Riêng trong tháng 11, hàng không vận chuyển 24.000 tấn hàng hóa, tăng 5% so với tháng 10/2022 nhưng giảm 18% so với tháng 11/2021.
Vietravel "đội sổ" bay đúng giờ
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 11/2022, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 25.937 chuyến bay, trong đó: 24.758 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 95,5%, tăng 2,3 điểm so với tháng trước; 1.179 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 4,5%, giảm 2,3 điểm so với tháng trước; 15 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,06%.
Cụ thể, Vietnam Airlines thực hiện 9.628 chuyến bay, trong đó 9.245 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 96%; 383 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 4% và chỉ có 4 chuyến bay bị hủy.
Vietjet Air thực hiện 9.491 chuyến bay, trong đó có 8.950 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 94,3%; 541 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 5,7% và duy nhất 1 chuyến bay bị hủy.
Pacific Airlines thực hiện 1.224 chuyến bay, trong đó có 1.185 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 96,8%; 39 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 3,2% và không có chuyến bay nào bị hủy.
Bamboo Airways thực hiện 4.624 chuyến bay, trong đó có 4.479 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 96,9%; 145 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 3,1% và 6 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,1%. Với kết quả này, Bamboo Airways tiếp tục đứng đầu bảng về tỷ lệ bay đúng giờ trong số các hãng hàng không.
Vietravel thực hiện 364 chuyến bay, trong đó có 320 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 87,91%; 44 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 12,7% và không có chuyến bay bị hủy.
Như vậy, Vietravel là hãng bay có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất trong số các hãng bay và cũng là hãng bay duy nhất có tỷ lệ chậm chuyến tăng xét cả so với cùng kỳ và so với tháng trước.
Vasco thực hiện 606 chuyến bay, trong đó 579 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ là 95,5%; 27 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 4,5%; 4 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,7%.
Trước đó trong giai đoạn tháng 7-8/2022, tình trạng chuyến bay bị chậm, hủy tăng cao đột biến, gây bức xúc trong dư luận. Ngay sau đó, nhà chức trách hàng không đã quyết liệt chỉ đạo hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay.
Theo đó, yêu cầu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam tăng cường năng lực khai thác của các sân bay, nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đồng thời yêu cầu các hãng bố trí những chuyến bay đêm; bảo đảm bố trí máy bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot (lượt cất, hạ cánh theo giờ) đã được cấp; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vietravel-doi-so-bay-dung-gio-419422.html