Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần này, giá dầu tiếp tục lao dốc vì Covid ở Trung Quốc

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng có một tuần tăng điểm, trong khi giá dầu thô giảm mạnh vì nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc...

nyse-1669427511.png Lối vào Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - Ảnh: Reuters.

 

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/11), trong khi hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng đi xuống. Cả ba chỉ số cùng có một tuần tăng điểm, trong khi giá dầu thô giảm mạnh vì nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 152,97 điểm, tương đương tăng 0,45%, đạt 34.347,03 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 0,03%, còn 4.026,12 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,52%, còn 11.226,36 điểm.

Cả tuần, Dow Jones tăng 1,78%; S&P 500 tăng 1,53% và Nasdaq tăng 0,72%. Hôm thứ Năm, thị trường đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn. Phiên ngày thứ Sáu, thị trường đóng cửa sớm.

Vào đầu tuần, giá cổ phiếu ở Phố Wall ít biến động do các nhà giao dịch đợi công bố biên bản cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Biên bản công bố hôm thứ Tư cho thấy Fed dự kiến sắp cắt giảm tốc độ tăng lãi suất. Tín hiệu này từ ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới mang lại một cú huých cho thị trường trong những phiên giao dịch còn lại của tuần, cho dù các chỉ số giằng co do khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp.

Theo dữ liệu từ hãng tin Reuters, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trên các sàn ở Mỹ trong phiên ngày thứ Sáu chỉ đạt 4,54 tỷ cổ phiếu, so với mức bình quân 11,25 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.

Một loạt báo cáo tài chính khả quan của các doanh nghiệp bán lẻ cũng được xem là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang ổn cho dù nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế đang hiện hữu.

Dù vậy, mối lo về Covid ở Trung Quốc hạn chế mức tăng của các chỉ số. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang siết chặt các biện pháp chống dịch do số ca nhiễm mới tăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây. Trong tuần này, Trung Quốc báo cáo những ca tử vong do Covid đầu tiên kể từ tháng 5. Thủ đô Bắc Kinh đã gần như rơi vào tê liệt vì nhiều khu vực thắt chặt phong toả.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư là báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp bán lẻ, phát biểu của một số quan chức Fed, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến công bố vào ngày thứ Năm, và báo cáo việc làm tháng 11 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,71 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 83,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,66 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 76,28 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu cùng giảm trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Trong tuần, có lúc giá dầu chạm mức thấp nhất 10 tháng. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 4,6% và giá dầu WTI giảm 4,7%.

Một báo cáo của ngân hàng ANZ cho rằng các biện pháp chống Covid mà Trung Quốc đang áp dụng có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với bình quân.

Trong khi đó, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang thảo luận áp trần giá khoảng 65-70 USD/thùng lên dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga, nhưng đến hiện tại vẫn chưa đạt thoả thuận. Các quan chức EU dự kiến có một cuộc họp vào tối ngày thứ Sáu tại Brussels để bàn về vấn đề này, nhưng cuộc họp đã bị huỷ - các nhà ngoại giao EU cho biết.

Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục giằng co cho tới khi G7 và EU thống nhất được về trần giá dầu Nga và trần giá này chính thức được áp dụng từ ngày 5/12, và cuộc họp sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, vào ngày 4/12.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-tang-diem-tuan-nay-gia-dau-tiep-tuc-lao-doc-vi-covid-o-trung-quoc-420353.html