Sau 3 giải đấu liên tục phải đáp các chuyến bay dài giữa các thành phố lớn ở Nam Phi (2010), Brazil (2014) và Nga (2018), người hâm mộ bóng đá năm nay cảm thấy thuận tiện hơn rất nhiều vì nước chủ nhà World Cup năm nay khá nhỏ.
Thế nhưng, hàng chục ngàn người hâm mộ nước ngoài đang bay qua bay lại giữa Doha, thủ đô Qatar, và tiểu vương quốc Dubai vì giá khách sạn quá cao, chỗ ở khan hiếm và những quy định về giới hạn rượu bia khiến họ cảm thấy vô cùng bất tiện.
Các chuyến bay con thoi (chuyến bay ngắn hàng ngày) đã trở thành lựa chọn phổ biến của người hâm mộ vì họ không muốn nghỉ lại ở Qatar trong thời gian World Cup.
Chi phí đắt đỏ
Hơn một chục người hâm mộ World Cup đã được phỏng vấn hôm 24/11 cho biết, họ lựa chọn ở lại các nước láng giềng vì chi phí ở Qatar quá đắt đỏ. Nhiều người không tìm được chỗ ngủ hợp lý ở Doha hay bất cứ nơi nào khác tại đây.
Chứng kiến việc giá khách sạn tăng vọt trong những tháng trước giải đấu, nhiều người hâm mộ đã tranh giành các vị trí ở những ngôi làng dành cho người hâm mộ ở khu vực xa xôi của Qatar với đầy lều bạt hoặc container.
Một số cổ động viên đội tuyển Anh đã chỉ trích tình trạng chỗ ở được cung cấp cho họ ở quốc gia vùng Vịnh ngay trước trận khai mạc World Cup giữa Qatar và Eduador hôm 20/11.
Họ chia sẻ hình ảnh và video trực tuyến về cabin mà họ đang ở với giá 185 bảng mỗi đêm, với cát, gạch vụn ngổn ngang và máy móc công nghiệp nằm rải rác xung quanh.
Làng cổ động viên Rawdat Al Jahhaniya, nơi hàng chục nghìn cổ động viên Anh và xứ Wales trú ngụ, cũng không được trang bị rạp chiếu phim và sân tennis như đã hứa.
“Trung tâm thể hình” cũng chỉ có vài hạng mục thiết bị ngoài trời, máy điều hòa không khí trong các cabin cũng quá nhỏ để làm mát, và quá ồn khi chạy vào ban đêm.
“Chúng tôi muốn ở lại Doha 5 ngày, nhưng mà đắt quá. Chúng tôi không muốn ở tại những khu vực “kỳ lạ” dành cho người hâm mộ”, chị Ana Santos, một người hâm mộ người Brazil đến sân bay Doha hôm 24/11 cho biết.
“Ở Dubai, chúng tôi tìm được một khách sạn sang trọng với giá không quá cao. Các chuyến bay quá đông, nên chúng tôi không phải là những người duy nhất”.
Những người hâm mộ khác trên các chuyến bay đưa đón đã cảm thấy thất vọng vì quy định hạn chế rượu bia của Qatar. Chỉ có một vài khách sạn của Doha được phép phục vụ rượu sau lệnh cấm bia vào phút chóttại các sân vận động. Cửa hàng rượu duy nhất của Doha cũng chỉ mở cửa cho cư dân Qatar có giấy phép chính thức.
Trong khi đó, các hộp đêm sôi động, quán rượu, quán bar và các điểm du lịch khác của Dubai tràn ngập rượu mạnh - và với giá thấp hơn ở Doha - nơi một cốc bia được bán ra với giá 14 USD. Ngay cả ở tiểu vương quốc Abu Dhabi, khách du lịch cũng có thể mua rượu tại các cửa hàng bán rượu mà không cần giấy phép.
“Chúng tôi muốn trải nghiệm cuộc sống ở Dubai vì nó thú vị hơn”, ông Bernard Boatengh Duah, một bác sĩ đến từ miền tây Ghana cho biết. Ông Duah đã mua dịch vụ khách sạn trọn gói ở Dubai, bao gồm vé máy bay sang Doha trong những ngày diễn ra trận đấu, cũng như đồ ăn và rượu không giới hạn.
Hành trình mệt mỏi
Khái niệm máy bay con thoi không xa lạ gì ở vùng Vịnh, nơi nhiều người sống và làm việc ở Ả rập Xê út hay Kuwait đến Dubai vào cuối tuần để tự do uống rượu và vui chơi.
Dubai, thủ đô thương mại tự do của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, là điểm đến hàng đầu của khu vực bên ngoài Doha. Các hãng hàng không nhà nước như FlyDubai, hãng hàng không giá rẻ của tiểu vương quốc, đang huy động nguồn lực để khai thác gấp 10 lần số chuyến bay thông thường đến Doha.
Các nước láng giềng như Abu Dhabi và Ả Rập Saudi cũng đã tổ chức các chuyến bay đưa đón để kiếm tiền từ sự bùng nổ du lịch World Cup. Cứ sau vài phút, một chiếc Boeing hoặc Airbus lại ầm ầm bay qua sân bay cũ của Doha. Những ngày diễn ra trận đấu, hàng nghìn hành khách đi máy bay lại chen chúc nhau ở các phòng chờ.
Nhiều người hâm mộ đã mô tả hành trình đi máy bay con thoi là một quá trình khá liền mạch - đến sân bay Dubai chưa đầy một giờ trước khi cất cánh, đi lại giữa dòng người không cần mang theo hành lý cồng kềnh, và hạ cánh xuống Doha đúng giờ sau 50 phút.
Trong khi đó, những người khác lại cảm thấy căng thẳng và kiệt sức.
“Đây là những ngày dài. Thật là mệt mỏi”', Steven Carroll, một kỹ thuật viên đến từ xứ Wales, cho biết chuyến bay sang Dubai bị hoãn một tiếng, do đó anh trở về khách sạn lúc 4h sáng trong tình trạng mệt mỏi.
“Vấn đề là bạn phải đến Qatar trước trận đấu một khoảng thời gian, và còn phải đi ra sân bay nữa.”
Ông Fernando Moya 65 tuổi, cổ động viên Ecuador đến từ New York, cho biết ông rất tiếc khi bay sang từ Abu Dhabi. Một sự cố kỹ thuật liên quan đến chiếc thẻ Hayya (mã định danh người hâm mộ được chính phủ Qatar cấp cho người đến xem các trận đấu của FIFA World Cup 2022) khiến ông và những người bạn đồng hành bị mắc kẹt ở thủ đô UAE.
Ông Moya đã mất cả ngày trời để nói chuyện với bộ phận chăm sóc khách hàng tại sân bay Doha và phải bỏ ra gần 2.000 USD để bay chuyến khác.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ly-do-co-dong-vien-world-cup-khong-nghi-qua-dem-tai-qatar-420858.html