Ba ngành sẽ thuận lợi về nguyên vật liệu đầu vào nếu Trung Quốc mở cửa trở lại

VNDirect nhận định Trung Quốc mở cửa trở lại góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư 2023, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng lộ trình mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn là một biến số với triển vọng kinh tế Việt Nam năm tới.

Điểm qua tình hình kinh tế nước này, tăng trưởng tổng mức bán lẻ của Trung Quốc đã giảm 0,5% so với cùng kỳ trong tháng 10 từ mức tăng tăng 2,5% trong tháng 9 trong bối cảnh các thành phố lớn liên tục bị phong tỏa do COVID-19.

Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất giảm nhẹ từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5% trong tháng 10 do gián đoạn chuỗi cung ứng liên tỉnh.

suy-thoai-1670034961.jpg

 

Báo cáo cho biết rủi ro vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn về tài chính vẫn đang ở mức cao. Giá nhà đã giảm 13 tháng liên tiếp. Doanh số ký bán của các doanh nghiệp bất động sản lớn đã giảm 33,7% so với đầu năm.

Trước diễn biến kinh tế kém khả quan, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một số chính sách mới nhằm giúp tổng vốn đầu tư công tăng lên hơn 7.000 tỷ NDT (khoảng 1.000 tỷ USD) trong năm 2022. Khoản vốn này dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng trong quý IV/2022 và cả trong năm 2023.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành “chính sách 16 điểm” nhằm giải cứu thị trường bất động sản đang lâm vào khó khăn. Các khoản vay của nhà phát triển bất động sản đáo hạn trong vòng 6 tháng tới sẽ được gia hạn thêm một năm.

Chính quyền cũng kêu gọi các định chế tài chính cung cấp hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở có chất lượng tốt và rủi ro vỡ nợ có thể kiểm soát được.

VNDirect cho rằng Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2023 do kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 4/2023 có khả năng làm số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, kéo theo xu hướng mở cửa thận trọng hơn.

Tuy nhiên tăng trưởng có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023 khi quá trình mở cửa trở lại được thúc đẩy sau khi số ca nhiễm mới được kiểm soát.

Các chuyên gia tại đây giữ quan điểm thận trọng về triển vọng trong dài hạn của Trung Quốc do thị trường bất động sản suy thoái cũng như tiềm năng tăng trưởng chậm hơn (phản ánh sự suy yếu trong ngành sản xuất và bất động sản).

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế của Trung Quốc năm 2023 xuống 4,4% so với dự báo trước đó là 4,6%.

VNDirect nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một cú hích lớn cho ngành du lịch Việt Nam, vì du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019 (trước dịch COVID-19).

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng không sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của lượng khách du lịch từ Trung Quốc.

Việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/ba-nganh-se-thuan-loi-ve-nguyen-vat-lieu-dau-vao-neu-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-424125.html