Cuối tháng 11/2022, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã đấu giá thành công quyền sử dụng 9.460,23m2 đất ở trên địa bàn. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Newland (Công ty Newland).
Cụ thể, công ty Newland đã trả giá 34.199.000 đồng/m2. Như vậy, tổng số tiền trúng đấu giá là 323.530.405.770 đồng, tăng hơn 3,165 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Quỹ đất này dùng để thực hiện Dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị. Trong số này có 9.460,23 m2 đất ở; 8.020 m2 đất xây dựng đường giao thông, hơn 523 m2 đất cây xanh cùng trên 4.237 m2 đất quy hoạch chưa sử dụng.
Đáng chú ý, công ty Newland là “tân binh” trên thị trường. Công ty thành lập ngày 18/10/2022, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (sở hữu 90% vốn điều lệ, tương đương 270 tỷ đồng), ông Phạm Khương Duy (sở hữu 5% vốn, tương đương 15 tỷ đồng), ông Sái Văn Kiên (sở hữu 5% vốn, tương đương 15 tỷ đồng).
Công ty Newland có ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là ông Phạm Khương Duy.
Không ngạc nhiên khi có một đại gia đứng sau “tân binh” Newland. Đó là Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (Mã chứng khoán: VPG).
Công ty Việt Phát thành lập ngày 23/7/2008 với người đại diện pháp luật ở thời điểm hiện tại là ông Nguyễn Văn Bình. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là “Bán buôn kim loại và quặng kim loại”.
Tại ngày 30/9/2022, công ty Việt Phát có vốn điều lệ 801 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bình là cổ đông lớn nhất khi góp gần 207 tỷ đồng để sở hữu 25,79% vốn công ty. Đứng sau là ông Nguyễn Văn Đức (3,37% vốn) và bà Lê Thị Thanh Lệ (sở hữu 4,53% vốn). Các cổ đông khác nắm giữ 66,32% vốn còn lại.
Khởi đầu từ một công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa được thành lập từ năm 2008, VPG đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh về sản xuất kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và dịch vụ vận tải nội địa tại Việt Nam.
Hiện tại, hoạt động chính của công ty là kinh doanh, xuất nhập khẩu và cung cấp quặng sắt và than cho các nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện, cùng với một số dịch vụ như vận tải, kho bãi,…Đây là nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu của nhiều nhà máy thép lớn như Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, DONGBU, SAMINA,.. và là đối tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN. Công ty cũng đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như: Công ty Daichu Corporation, Công ty Glencore International AG, Công ty Noble Resources International PTE LTD...
Quanh ngày diễn ra phiên đấu giá gần 10.000m2 đất vàng, Công ty Việt Phát dồn dập vay nợ khủng.
Ngày 24/11/2022, Công ty Việt Phát đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh Bắc Hải Phòng. Giá trị khoản vay là 395 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là 30.000 tấn than cốc mà Summit Crm Ltd sẽ giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát theo hợp đồng mua bán số EHRGZ22-0019 ngày 16/8/2022 và phụ lục hợp đồng số 4 ngày 21/11/2022; các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Agribank.
Trước đó, ngày 27/10, Việt Phát cũng vay Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng 389 tỷ đồng.
Không rõ Công ty Việt Phát có sử dụng những khoản vay này để thanh toán cho gần 10.000 đất vàng vừa trúng đấu giá hay không.
Lũy kế 3 quý, tại ngày 30/9/2022, tổng nợ phải trả tại Việt Phát tăng rất mạnh, từ 1.471 tỷ đồng lên 2.996 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay đạt 1.140 tỷ đồng.
Hồi đầu năm nay, thị trường bất động sản rúng động trước phiên đấu giá đất Thủ Thiêm. 4 doanh nghiệp (trong đó có Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tham gia đấu giá "đất vàng" ở Khu đô thị Thủ Thiêm với tổng cộng số tiền đầu giá thành công 37.346 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tất cả ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Trong năm 2022, dòng vốn ngân hàng sẽ được định hướng ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú, trong khi vào bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… sẽ kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021”.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vua-than-viet-phat-phia-sau-cong-ty-1-thang-tuoi-trung-dau-gia-gan-10000-m2-dat-vang-tai-hai-phong-424126.html