Trái phiếu doanh nghiệp: Ai mua, ai bán? Ai cứu, cứu ai?

Trái phiếu (TP) là công cụ huy động vốn quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhưng thời gian qua sân chơi này chủ yếu thuộc về ngân hàng thương mại (NHTM) và DN bất động sản (BĐS).

Trong khi đó các DN sản xuất kinh doanh rất cần vốn đầu tư, nhưng vẫn chưa nhiều DN chen chân vào, do một phần không có thương hiệu để phát hành, phần khác chưa có sự hỗ trợ từ các đối tác. Thế nên, giải cứu thị trường TPDN là việc phải làm để cứu lấy niềm tin của thị trường trong dài hạn, nhưng phải lựa chọn DN để cứu.

Ai mua, ai bán?

Sau các vụ lùm xùm trên thị trường TPDN gần đây, phía Bộ Tài chính cũng từng nói rằng, “TPDN không phải sản phẩm tiền gửi tiết kiệm NH và có độ rủi ro cao hơn, nhà đầu tư (NĐT) có trách nhiệm tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”. Dĩ nhiên NĐT cũng có một phần trách nhiệm, nhưng khẳng định nói trên có “hơi quá”, vì NĐT mua TPDN chủ yếu là vì tin tưởng vào các lời tư vấn. Vậy ai tư vấn cho NĐT cá nhân mua TPDN?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) kể: “Mấy ngày gần đây, công ty luật của ông đón tiếp rất nhiều người hưu trí ôm cả chồng hồ sơ đến nhờ hỗ trợ lấy lại tiền mua TPDN. Những khách hàng này hoàn toàn không biết gì về TPDN. Khi họ đáo hạn sổ tiết kiệm, nhân viên NH tư vấn sản phẩm có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi, hứa hẹn sẽ hỗ trợ môi giới chuyển nhượng trước hạn hoặc sẽ mua lại trong 3-6 tháng sau khi phát hành. Có nhu cầu được thêm tiền lãi và có niềm tin là nhân viên NH tư vấn, từ người gửi tiết kiệm nhiều người đã trở thành NĐT TPDN. Trong số các TPDN phát hành, có TP không có tài sản đảm bảo, có TP có tài sản đảm bảo nhưng NĐT cũng không rõ tài sản đó là gì”.

Về câu chuyện TPDN thời gian qua, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, TPDN trước năm 2020 có mức lãi suất và quy mô phù hợp và chủ thể phát hành, chủ yếu là các công ty niêm yết uy tín trên thị trường chứng khoán. Đến giai đoạn 2020 - 2022, xuất hiện nhiều công ty phát hành TPDN riêng lẻ có lãi suất cao lên đến 14%/năm, vượt qua lãi suất cho vay của NH.

Theo quy định, NĐT cá nhân chuyên nghiệp mới được tham gia mua TPDN, nhưng thị trường có được bao nhiêu NĐT là chuyên nghiệp? Và vì sao NĐT cá nhân không chuyên nhưng các NH và công ty chứng khoán vẫn tư vấn và bán TPDN cho họ?

Song đối với vấn đề “NĐT cá nhân mua TPDN lãi suất cao nên phải chịu rủi ro”, TS. Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh, các NĐT cá nhân không đi tìm lãi suất quá cao, họ chỉ đi tìm lãi suất phù hợp hơn so với lãi suất tiết kiệm. Vị chuyên gia này đưa ra thí dụ, công ty tài chính cho người tiêu dùng vay tín chấp lãi suất 24%/năm với khoản vay nhỏ, hoặc đã có những DN BĐS vay tiền DN khác với lãi suất đến 3%/tháng (tức 36%/năm).

Hay cách đây 2 tháng, Hãng thông tấn nước ngoài CNN đưa tin, Công ty lữ hành lớn nhất thế giới Carnival gặp khó khăn do đại dịch 2021 nên cần nguồn vốn 2 tỷ USD, họ phải phát hành TP để vay với lãi suất 11%/năm bằng USD, và thế chấp bằng đội du thuyền trị giá trên 8 tỷ USD, tương đương lãi suất 18-20%/năm bằng VNĐ. Như vậy, lãi suất 14%/năm không quá cao. Và các NĐT cá nhân đã không nghĩ là họ mua TPDN có độ rủi ro cao, hơn nữa mua TP có sự bảo đảm của một định chế tài chính nên có sự an toàn.

Như vậy, vẫn biết lỗi đầu tiên là ở NĐT vì mua khi “không biết gì hết”, nhưng phía NH làm sai đến đâu cũng phải chịu trách nhiệm đến đó, vì NĐT cá nhân lúc đó chỉ hiểu TP đó của NH hoặc NH bảo lãnh, họ không biết đó là của công ty BĐS nào và “lời ăn, lỗ chịu”. Hơn nữa theo quy định, NĐT cá nhân chuyên nghiệp mới được tham gia mua TPDN, nhưng thị trường có được bao nhiêu NĐT là chuyên nghiệp? Và vì sao NĐT cá nhân không chuyên nhưng các NH và công ty chứng khoán vẫn tư vấn và bán TPDN cho họ?

Nhìn lại năm 2020-2022, thị trường TPDN tập trung trong các NHTM và DN BĐS. Trong khi nói TPDN sẽ hình dung đó là TP cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và để TPDN đi song song với tín dụng NH. Cũng trong giai đoạn này, TPDN được phát hành từ công ty BĐS chưa niêm yết chiếm đến 80%, còn các NĐT chuyên nghiệp như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ cân bằng không tham gia mua TPDN của nhóm này.

Ngược lại, NH vừa là chủ thể huy động TPDN cao nhất nhì thị trường, cũng vừa là trái chủ lớn trên thị trường, tức là NH vừa là người bán, vừa là người mua. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải chăng bằng uy tín của mình, NH phát hành TP và lấy tiền đó mua TP của công ty BĐS. Và như vậy NHNN đã và đang có những quy định gì để quản lý hệ thống NHTM để đưa về chuẩn an toàn? Và chính điều đó đã dẫn đến những bất ổn vừa qua.

Ai cứu, cứu ai?

Toàn cảnh vừa qua cho thấy, TPDN hiện chưa thực sự là nguồn vốn cung cấp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các công ty sản xuất kinh doanh. Nhưng dù không giúp nhiều cho nền kinh tế, nguy nan lúc này vẫn phải tìm cách “giải cứu” thị trường TPDN.

Thị trường TPDN gặp khó, nhà nước cần phải hỗ trợ để tránh xảy ra đổ vỡ domino. Những vụ việc vừa qua là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là một phần trên thị trường chứ không phải toàn bộ bức tranh của thị trường TPDN. Và điều quan trọng là NĐT đang mất niềm tin.

Cho đến nay TPDN thực sự dành cho sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 3% tổng khối lượng phát hành, NĐT mất niềm tin càng khiến nhóm này “đuối” trong huy động vốn bằng TP. Vậy nên đừng để thị trường TP vì tin xấu mà đi xuống. Cần có giải pháp để lấy lại niềm tin của NĐT đối với thị trường vốn, giúp những DN đang ăn nên làm ra tránh bị vạ lây, và các DN chưa phát hành có điều kiện tham gia trong tương lai.

Cũng nhìn nhận với đặc thù phát hành TPDN vừa qua, khi nhắc đến khái niệm “giải cứu TPDN”, nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng đó là giải cứu các công ty BĐS. Song nhiều chuyên gia kinh tế nói với ĐTTC rằng, khái niệm giải cứu ở đây cần phân biệt rõ, cứu có lựa chọn, giúp những DN kinh doanh chân chính, đúng luật thoát khỏi khủng hoảng hiện tại và từ đó lấy lại niềm tin của thị trường.

Giải pháp cứu bao gồm ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn thủ tục, hỗ trợ bơm vốn, giải ngân cho những DN đang kinh doanh đúng mục đích thông qua tín dụng để các dự án không bị ngưng trệ, hoặc hỗ trợ các chính sách để DN gia hạn thời hạn trả nợ với các trái chủ… Đồng thời cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho NĐT và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, bản thân các DN phát hành TPDN hiện nay cũng phải tự cứu lấy thương hiệu của chính mình. Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) khuyến cáo, các DN cần tính toán khả năng từ nội tại, liệt kê lại tài sản để xử lý. Các DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại có thể dùng nguồn tiền mặt để xử lý. Nếu không đủ, DN có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần TP với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại.

Đồng thời, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi TP thành cổ phiếu. Riêng với những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc DN rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản đang có để thanh toán, đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…

Thị trường TPDN rất rộng và quan trọng với nền kinh tế nên cần tầm nhìn xa hơn. Ông Danh cho rằng nên chăng có một thị trường mở, nơi đó có đầy đủ các thông tin về định mức tín nhiệm, phân loại các loại TP rõ ràng từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay BĐS thương mại, và thậm chí báo cáo thông tin theo trình tự giải ngân dự án… để người mua có cơ sở để lựa chọn đầu tư.

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, ở các nước phát triển, đầu tư vào thị trường chứng khoán chủ yếu là quỹ đầu tư - quỹ mở. Hiện nay các quỹ mở chiếm 80% và đang quản lý khối tài sản 44.000 tỷ USD. Trong khối tài sản quỹ mở quản lý, cơ cấu TP bao gồm TP chính phủ và TPDN chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam, tổng giá trị đầu tư TP của các quỹ mở chỉ 18.717 tỷ đồng so với 1.200 triệu tỷ đồng TP được phát hành (chiếm 1,6% tổng giá trị phát hành). Cũng tức là những NĐT chuyên nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào TP rất thấp.

Do vậy ngoài việc lành mạnh hóa thị trường TPDN, cần thúc đẩy phát triển các quỹ mở đầu tư TP, vì họ có đội ngũ chuyên nghiệp sẽ đầu tư những TP tốt, có độ an toàn và cơ chế quỹ mở giúp NĐT linh hoạt trong thoát vốn. Thực tế, các quỹ mở thường chỉ đầu tư TP an toàn, có chọn lọc, chỉ đầu tư vào những TP được xếp hạng AAA. Như vậy khi phát triển quỹ mở, các DN cũng phải chủ động hoàn thiện trong quá trình phát hành để được “lọt vào mắt” của các quỹ.

TPDN hiện chưa thực sự là nguồn vốn cung cấp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các công ty sản xuất kinh doanh. Nhưng nguy nan lúc này vẫn phải tìm cách chọn lọc để “giải cứu” thị trường TPDN. Đó là nhà nước cần phải hỗ trợ để tránh xảy ra đổ vỡ domino.

Link nội dung: https://biztoday.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-ai-mua-ai-ban-ai-cuu-cuu-ai-425232.html