TPHCM: Năm 2023 đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn

Sáng 7-12, kỳ họp thứ 8 HDNDTPHCM khóa X được khai mạc nhằm đánh giá kết quả kinh tế- xã hội năm 2022 trên địa bàn TP cũng như thảo luận bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2023.

Đồng thời UBND TPHCM cũng trình HĐNDTP xem xét, cho ý kiến thông qua 27 tờ trình liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đến dự phiên khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, các đại biểu, đại diện sở ngành…

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực: Thành phố ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, du lịch.. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 30,6%, tổng doanh thu du lịch ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2%, khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt 25 triệu lượt, tăng 167,4%, khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 100% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tháng ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3 % so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ (ước đạt khoảng 1/3 thu ngân sách cả nước); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)   năm 2022 tăng trên 9%; có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra;  2 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 3 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở đánh giá. 

hdnd-tphcm-1670383174.jpg

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, mặc dù gặt hái được nhiều kết quả quan trọng nêu trên, song, theo dự báo, bước sang năm 2023, chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và an ninh - chính trị thế giới, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng; áp lực lạm phát, chi phí sản xuất, giá nhiều mặt hàng tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai tổ chức chính quyền đô thị. 

Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ 11 đề ra, trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá phát triển thành phố; tổng kết Nghị quyết 16 trình Bộ Chính trị; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển thành phố và cơ chế thực hiện thí điểm những vấn đề mới.

Tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng; phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao; hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển logistics, thúc đẩy đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển du lịch thông minh.

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu; khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng thời gian tới.

Tập trung giải quyết các khiếu kiện liên quan việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư, không để phát sinh phức tạp. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông, kinh tế đêm…

Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040; Quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Chiến lược quản lý phát triển hành lang sông Sài Gòn; khai thác tiềm năng chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển công viên cây xanh, chống ngập và xử lý nước thải, quy hoạch xử lý chất thải rắn….

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, thay mặt UBND TP đọc 27 tờ trình, và một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023, như tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu ngân sách nhà nước, thu hút 120 ngàn khách quốc tế đến TP; giải quyết việc làm cho 300 ngàn lao động… Tỷ lệ đất cho giao thông đạt 13,88%, mật động đường giao thông trên diện tích đất TP đạt 2,38km/km2, tổng diện tích nhà ở xây mới đạt 12,3 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân/người đạt 22,23m2…

Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-nam-2023-dau-tu-xay-dung-nhieu-du-an-ha-tang-lon-426424.html