Vì sao khó thanh lý xe sang, nhà đất của ngân hàng?

Nhiều khoản nợ, tài sản được các ngân hàng rao hạ giá nhiều lần nhưng vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm. Các công ty đấu giá cho rằng thủ tục phức tạp, giá cao là nguyên nhân chính.

Thời gian gần đây, các ngân hàng lớn liên tục phát đi thông báo về việc thu giữ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản, ôtô. Đáng chú ý, nhiều tài sản đã được rao bán nhiều lần với giá rẻ hơn vài chục tỷ cho tới hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người mua.

Hiện, các loại tài sản đảm bảo được ngân hàng rao bán theo hai hình thức là mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu giá. Với hình thức bán trực tiếp, người mua liên hệ với ngân hàng và làm các thủ tục. Hình thức còn lại là bán đấu giá thông qua công ty thứ ba.

Hạ giá 13 lần vẫn không ai mua

Mới đây nhất, hai siêu xe Rolls-Royce của cựu chủ tịch tập đoàn FLC đấu giá tới 4 lần nhưng vẫn ế khách mua. Đây đều là tài sản thế chấp của các công ty con FLC cho ngân hàng OCB chi nhánh Hà Nội và BIDV chi nhánh Quy Nhơn.

Với chiếc Rolls-Royce Ghost mạ vàng có mức giá khởi điểm ban đầu 10 tỷ đồng nhưng đến nay sau 4 lần đấu giá thất bại, chiếc xe còn hơn 9,1 tỷ đồng, tức giảm gần 900 triệu đồng nhưng vẫn không bán được. Đơn vị đấu giá cho biết phía ngân hàng chưa thông báo mức giá mới cho chiếc Rolls-Royce này.

Tương tự, chiếc Rolls-Royce Phantom có giá khởi điểm 28,02 tỷ đồng sau lần đấu giá công khai thất bại ngày 15/11, chiếc xe này vừa hạ giá sâu xuống còn hơn 22 tỷ đồng. Đại diện công ty đấu giá một trong hai chiếc xe này cho biết mỗi lần đấu giá vẫn có hồ sơ tham gia nhưng cuối cùng lại không có người cọc tiền. Người này cho rằng người mua vẫn chờ mức giá tốt hơn.

Mới đây, BIDV chi nhánh Hoài Đức cũng thông báo đấu giá lần 2 tài sản gồm 3 chiếc ôtô nhãn hiệu Honda CR-V sản xuất năm 2009; ôtô nhãn hiệu Mazda CX9 sản xuất 2013 và chiếc Honda CR-V sản xuất 2015. Giá khởi điểm lần lượt của 3 chiếc ôtô này là 321,3 triệu đồng; 639 triệu đồng và 585 triệu đồng.

ngan hang thanh ly anh 1

Chiếc Mercedes Benz C300 sản xuất năm 2014 được Ngân hàng VIB thông báo thanh lý từ một năm trước với giá 650 triệu đồng. Ảnh: VIB.

Ngoài ôtô, nhiều ngân hàng cũng chật vật thanh lý tài sản khác dù hạ giá vài chục lần. Đơn cử, BIDV chi nhánh Nam Sài Gòn đang thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên với giá khởi điểm hơn 235 tỷ đồng.

Tài sản bao gồm toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đầu tư trên đất tại Khu đất I, II, III và IV thuộc về Công ty Bách Giang thuộc Dự án KDC khu phố 4, quận 9 và toàn bộ quyền lợi của Công ty Cao Nguyên hình thành từ vốn vay và vốn tự có trong việc liên doanh đầu tư – kinh doanh dự án này; toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất I5 và I7 thuộc Công ty Bách Giang.

Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 13 ngân hàng rao bán số tài sản kể trên và giá khởi điểm đã giảm khoảng 226 tỷ đồng so với giá ban đầu hơn 461 tỷ đồng.

Ngoài BIDV, nhiều ngân hàng lớn khác cũng không ít lần hạ giá các khoản nợ, tài sản để thanh lý nhưng không thành. Chẳng hạn, VietinBank Bắc Phú Thọ thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bắc Á lần thứ 10 bao gồm máy móc thiết bị dự án, 3 nhà xe, nhà bảo vệ, nhà điều hành... và ôtô nhãn hiệu Toyota Camry. Giá khởi điểm số tài sản trên là 13 tỷ đồng.

Vì sao tài sản ngân hàng khó bán?

Trao đổi với Zing, đại diện một công ty chuyên đấu giá tài sản của nhiều ngân hàng cho biết những tài sản ế người mua của ngân hàng thường là những tài sản có giá cao. Ngân hàng luôn muốn bán giá cao, để tránh khiếu nại từ chủ cũ nên họ sẽ đưa ra giá khởi điểm cao hơn giá trị thực rồi hạ dần. Đồng thời ngân hàng cũng sẽ lọc được khách hàng tiềm năng quan tâm đến tài sản.

"Bên cạnh đó, với những người không chuyên họ cảm thấy rất rườm rà ở các thủ tục qua đấu giá như đặt cọc trước, thanh toán đủ tiền mới ký hợp đồng mua bán rồi mới thu nợ xuất sổ. Thời gian nhanh hay chậm tùy ngân hàng, với ngân hàng Nhà nước nhanh nhất khoảng 2-5 ngày còn ngân hàng thương mại khoảng 7-15 ngày", người này lý giải.

Theo vị này, đa số người dân mua xe đấu giá thường không hiểu rõ luật, cơ quan chức năng gây khó, không hướng dẫn nên nhiều người khó khăn trong việc làm hồ sơ, thủ tục sang tên. Đặc biệt với tài sản là bất động sản càng khó hơn, chủ yếu người mua đất đấu giá là các dân buôn.

"Ngoài ra, tài sản thanh lý, đấu giá từ ngân hàng là tài sản siết nợ nên tâm lý người dân khi mua tài sản đấu giá, thanh lý từ ngân hàng sẽ không mang lại may mắn", đại diện công ty đấu giá cho biết thêm.

Riêng đối với tài sản là bất động sản, vị này cho biết còn nhiều vấn đề phát sinh gây khó khăn khi thanh lý, nhất là vấn đề thủ tục. "Chẳng hạn, có trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất nhưng thực tế trên đất còn có nhà ở không giấy phép khiến người mua không được cấp giấy sở hữu nhà lại không sang tên được. Do đó phải đập bỏ nhà hoặc để vậy", người này dẫn chứng.

Trước đó, kế toán trưởng một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội cho biết với những khoản nợ xấu giá trị vài nghìn tỷ, việc đưa giá khởi điểm bằng tổng dư nợ (gốc và lãi) chỉ mang tính thủ tục, bởi thực tế đã là nợ xấu thì khách hàng đã không còn khả năng trả nợ.

"Tuy nhiên, ngân hàng không được phép bán rẻ các khoản nợ mà phải giảm giá dần theo nguyên tắc và đảm bảo không thấp hơn giá trị nợ gốc", vị này cho biết.

Theo kế toán trưởng này, trường hợp thu hồi được nợ gốc đã là thành công với ngân hàng. Nguyên nhân vì các khoản nợ này đều đã được trích lập dự phòng theo nhóm nợ. Trường hợp thu hồi được nợ gốc, ngân hàng vừa có nguồn tiền từ số nợ thu hồi được để mang đi cho vay mới vừa có nguồn thu từ hoàn nhập dự phòng với khoản nợ xấu đó.

Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-sao-kho-thanh-ly-xe-sang-nha-dat-cua-ngan-hang-426609.html