Lỗ chồng lỗ
Tháng 11/2015, trước khi những cửa hàng Bách hóa xanh đầu tiên được mở tại quận Bình Tân - nơi có mật độ dân cư cao nhất TP.HCM, MWG đã dành hơn chục lần xây đi, xây lại cho cửa hàng đầu tiên. Ngoài lý do từ sự thận trọng của Ban Quản trị, thì việc thực hiện thử nghiệm cũng là không thừa, bởi dù đạt được thành công lớn ở các chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy trước đó, việc bước chân sang lĩnh vực thực phẩm lại là một câu chuyện khác. Người đứng đầu MWG, ngay từ những năm đầu mở Bách hóa xanh, cũng từng chia sẻ rằng, thử nghiệm là thời gian để sẵn sàng thay đổi, phát hiện và sửa những chỗ chưa ổn.
Tuy nhiên, sau 7 năm, mới đây, MWG lại phải tiến hành “đập bỏ” thứ đã xây, với giá đánh đổi không nhỏ. Thông tin tại cuộc họp nhà đầu tư tháng 11 vừa qua, đại diện Công ty cho biết, các chi phí phát sinh một lần do thanh lý tài sản, trả mặt bằng do đóng cửa 400 cửa hàng trong quý II và III/2022 là 500 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, cứ 5 cửa hàng, thì có gần 1 cửa hàng Bách hóa xanh phải đóng cửa.
Phía Công ty cho biết đã hạch toán đầy đủ, không còn tác động đến kết quả kinh doanh từ tháng 10/2022 trở đi. Cập nhật tại báo cáo tài chính quý III/2022, lỗ thuế của Công ty xổ phần Thương mại Bách hóa xanh trong 9 tháng đầu năm 2022 là 2.246 tỷ đồng, gấp 2,2 lần khoản lỗ cả năm trước và cũng là mức thua lỗ lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán lẻ thực phẩm này đi vào hoạt động.
Theo quy định hiện hành, Bách hóa xanh sẽ được chuyển lỗ và cấn trừ vào thu nhập chịu thuế khi Công ty có lãi trong các năm tiếp theo, nhưng không quá 5 năm. Lỗ chồng lỗ liên tục 7 năm qua, số lỗ thuế thương mại của Bách hóa xanh không được cấn trừ vượt trên trăm tỷ đồng. MWG cũng không hưởng lợi khi tính thuế do Việt Nam hiện không có quy định về việc cấn trừ lãi, lỗ giữa các công ty trong cùng một tập đoàn.
Chi phí phát sinh từ việc “xóa sổ” khoảng 19% số cửa hàng và tái cấu trúc Bách hóa xanh trong nửa năm qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III/2022 của MWG chỉ tăng 15,4%, dù doanh thu tăng gần 32% so với quý cùng kỳ. Ngoài ra, theo dự tính của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của MWG, lợi nhuận năm 2022 chỉ bằng 90% so với năm trước, đánh dấu năm đầu đi lùi và đứt mạch tăng trưởng của “ông lớn” ngành bán lẻ này.
Hiệu quả sử dụng tài sản đi lùi
Bước chân sang các lĩnh vực mới, với mảng được đầu tư nhiều nhất là bán lẻ thực phẩm, nếu không kể năm 2020, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của MWG những năm qua hầu hết đều ở mức hai chữ số. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng cũng đã chậm lại. Doanh thu năm 2021 tăng hơn 13% so với năm liền trước, thua xa mức tăng thần tốc 60-70%/năm trong giai đoạn 2014-2016.
Khi các chuỗi bán lẻ mở rộng và có được lợi thế về quy mô, thì tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, chi phí bán hàng đã tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm nay, bình quân cứ mỗi 100 đồng doanh thu MWG mang về lại cần 14,77 đồng chi trả cho hoạt động bán hàng - cao hơn các năm trước (năm 2021 là 14,57 đồng, năm 2020 là 14,13 đồng, năm 2019 chỉ 12,17 đồng). Dù vậy, tỷ suất sinh lợi tính giữa lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần của MWG vẫn khá ổn định.
Trong khi đó, hiệu suất sử dụng tài sản phản ánh quy mô doanh thu thuần đạt được trên mỗi đồng tài sản đã lùi khá sâu trong những năm qua, dù có sự cải thiện trong 9 tháng đầu năm nay. Với tốc độ tăng doanh thu chậm hơn so với việc mở rộng quy mô tài sản/vốn, con số này đã giảm từ mức hơn 4,73 lần năm 2015 xuống còn gần 2,3 lần năm 2021.
Với doanh nghiệp bán lẻ như MWG, tồn kho luôn chiếm giá trị lớn nhất trong tổng tài sản và cũng là vấn đề cần tập trung giải quyết với các doanh nghiệp ngành này. Tại thời điểm ngày 30/9, giá trị tồn kho của toàn bộ các chuỗi bán lẻ của MWG là gần 29.100 tỷ đồng, chiếm 47,4% tài sản. Dù đã giảm 4.100 tỷ đồng so với mức đỉnh hồi quý I/2022, song số dư tồn kho hiện tại vẫn cao gấp 5,8 lần thời điểm cuối năm 2015.
Giải thích về xu hướng giảm lượng tồn kho trên toàn hệ thống, lãnh đạo MWG cho biết, đây là sự chủ động do Công ty đã dự báo sức mua giảm ở 6 tháng cuối năm. Nhu cầu thị trường đang giảm, trong khi tồn kho ở các hãng nhiều, nên phía bán lẻ như MWG không có nhu cầu trữ sẵn hàng hóa trong kho.
Cũng tại trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư giữa tháng 11/2022, lãnh đạo của MWG đã liên tục nhấn mạnh về chiến lược kinh doanh thận trọng cả trong hoạt động đầu tư mở mới, đầu tư tài chính hay hoạt động kinh doanh, như việc tập trung kiểm soát kỹ hơn hàng hóa tồn kho, kiểm soát chi phí.
Phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp cho thấy, Tỷ suất Lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) của MWG đi lùi trong các năm qua chủ yếu đến từ sự tụt lùi của hiệu suất sử dụng tài sản, khi Công ty lấn sân sang các lĩnh vực mới. Trong khi đó, Công ty vẫn duy trì khá tốt tỷ suất lợi nhuận/doanh thu và mức đòn bẩy tài chính với tỷ lệ nợ duy trì trong khoảng 65-75%.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất và tỷ giá tăng như hiện tại là yếu tố khá tiêu cực với lợi nhuận của doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao như MWG. Với ước tính lợi nhuận giảm 10% so với năm 2021, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, ROE của MWG trong năm 2022 ở mức khoảng 20%, tiếp tục kéo dài chuỗi đi xuống của chỉ tiêu này từ năm 2014.
Con đường phía trước
Ngay từ ngày đầu mở chuỗi bán lẻ thực phẩm, Bách hóa xanh đã được đánh giá là một “ván cược” mạo hiểm của MWG. Tuy nhiên, đi tìm một lĩnh vực mới là điều cần thiết để MWG có thể tiếp tục mở rộng quy mô và giải bài toán tăng trưởng khi chuỗi cũ được dự báo đã đến giai đoạn bão hòa.
Sau Bách hóa xanh, MWG lấn sân mảng bán lẻ dược phẩm với chuỗi An Khang thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) và tiếp tục thử nghiệm khi tự mở 5 chuỗi AVA hồi tháng 1/2022, gồm AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle.
Mảng thời trang AVAFashion đã đóng cửa sau 6 tháng. Đồng thời, chiến lược kinh doanh thận trọng cũng khiến MWG hạn chế mở rộng chuỗi. Nhà thuốc An Khang có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng lên 800, nhưng đến cuối quý III/2022, MWG quyết định dừng lại ở 500 cửa hàng. MWG khai trương 5 cửa hàng điện máy Erablue đầu tiên tại Indonesia trong tháng 12/2022 và chỉ tính đến việc mở thêm sau quý I hoặc đầu quý II năm tới.
Đối với Bách hóa xanh, sau giai đoạn “xóa sổ” mạnh tay các cửa hàng không hiệu quả, MWG cho biết sẽ không đặt mục tiêu số lượng mở mới với Bách hóa xanh.
“Sang năm, các cửa hàng Bách hóa xanh sẽ tập trung ở khu dân cư, đáp ứng tiêu chí rõ ràng để mở, không đặt mục tiêu số lượng. Công ty cũng sẽ không mở các cửa hàng 300 - 400 m2 và tập trung ở diện tích 150 m2 và 200 m2 ”, ông Tài cho hay.
Dù quyết định tái cấu trúc đã khiến MWG tiêu tốn nguồn lực lớn, nhưng ở chiều ngược lại, việc này cũng đã có một số tín hiệu tích cực. MWG cho biết, doanh thu hàng tháng của mỗi cửa hàng được cải thiện lên 1,37 tỷ đồng trong tháng 10/2022, tăng gần 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trực tiếp (bao gồm khấu hao cửa hàng) tháng 10 dương - mức cao nhất trong năm 2022 và đang hòa vốn EBITDA ở cấp độ Công ty.
Câu chuyện hòa vốn của Bách hóa xanh là tâm điểm được giới đầu tư theo dõi nhiều năm nay. Dù đã không dưới một lần trễ hẹn đến điểm hòa vốn, song tại cuộc gặp nhà đầu tư vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, việc có lời trong năm 2023 “gần như chắc chắn, trừ khi có yếu tố đột biến”.
Theo Chủ tịch HĐQT MWG, nếu doanh thu trên mỗi cửa hàng của Bách hóa xanh tăng lên 1,5-1,6 tỷ đồng, biên lợi nhuận tăng và giữ ở mức 25 - 28% thì sẽ về đích. Đồng thời, Bách hóa xanh sẽ tối ưu logistics để mọi thứ hiệu quả hơn, sau thời gian tập trung vào cửa hàng, ngành hàng, nhân viên.
Người đứng đầu MWG đánh giá, 3 câu hỏi cơ bản mà chuỗi Bách hóa xanh giải tương đối thành công từ đầu năm đến nay là khả năng đáp ứng đúng nhu cầu hàng hóa của khách hàng, mức giá tốt và thái độ của nhân viên. Bách hóa xanh đang tiếp tục bắt tay vào việc tối ưu hóa vận hành để có thể vận hành chuỗi với chi phí thấp nhất.
Đối với mục tiêu mở rộng doanh thu, chiến lược được ông Tài tiết lộ là thúc đẩy doanh thu thông qua lôi kéo khách hàng mới, sử dụng khuyến mãi từ các hãng. Cùng với đó, một tham vọng được người đứng đầu MWG tiết lộ là nhóm khách hàng mục tiêu mới của Bách hóa xanh.
Thời điểm ban đầu khi xây dựng chuỗi bán lẻ này, MWG hướng mục tiêu vào việc thu hút những khách hàng nhẽ ra phải ra chợ truyền thống hay các cửa hàng thì sẽ vào Bách hóa xanh để tiếp cận hàng hóa phong phú hơn và tổ chức chặt chẽ, bài bản hơn. Nhưng hiện tại, Bách hóa xanh còn muốn thu hút khách hàng từ siêu thị, khách hàng mới, chưa từng vào Bách hóa xanh. Độ tươi ngon nâng lên, trong môi trường không phải trả giá lòng vòng và thời gian mua hàng được rút ngắn so với việc vào siêu thị là những lợi thế của Bách hóa xanh mà ông Tài chỉ ra để lôi kéo khách hàng mới.
Dù không thể phủ nhận tính thiết yếu của các sản phẩm trong hệ thống Bách hóa xanh, song sức mua của thị trường tác động trực tiếp đến hệ thống này. Như tình hình thực tế tháng 10/2022, các cửa hàng Bách hóa xanh tại khu vực đông công nhân, quanh khu công nghiệp đã ghi nhận sự sụt giảm bởi sức mua yếu đi khi rất nhiều công nhân bị mất việc, giảm thu nhập do các nhà máy thiếu đơn hàng. Biến số trên sẽ tác động ít nhiều đến con đường phía trước của Bách hóa xanh. Tuy vậy, giới đầu tư vẫn đang chờ đợi thương vụ bán tối đa 20% cổ phần, được tiết lộ có thể hoàn tất vào quý đầu năm sau.
Link nội dung: https://biztoday.vn/mwg-va-van-cuoc-mao-hiem-7-nam-o-bach-hoa-xanh-427638.html