Chứng khoán Mỹ lại tụt điểm, giá dầu tiếp tục trượt dốc

Nhà đầu tư vốn từ lâu mong mỏi Fed dịch chuyển khỏi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt, nhưng các dữ liệu kinh tế gần đây không thể hậu thuẫn mong đợi đó...

Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hoàn tất một tuần đi xuống của cả ba chỉ số chính, khi nỗi lo về lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư. Những yếu tố này cũng là nguyên nhân khiến giá dầu thô có thêm một phiên giảm và khép lại một tuần “bốc hơi” mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 305,02 điểm, tương đương giảm 0,9%, còn 33.476,46 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,73%, còn 3.934,38 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,7%, còn 11.004,62 điểm.

Cả tuần, Dow Jones giảm 2,77% - mức giảm tuần mạnh nhất kể từ tháng 9. S&P 500 giảm 3,37%, còn Nasdaq giảm 3,99%.

Phiên giảm ngày thứ Sáu diễn ra sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (PPI) cho thấy mức tăng cao hơn dự báo. PPI toàn phần tăng 0,3% trong tháng 11 so với tháng 10 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. PPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng vượt dự báo.

Dữ liệu khả quan về niềm tin tiêu dùng giúp giải tỏa một phần nỗi lo của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế sẽ tiếp tục là tâm điểm hút sự chú ý, nhất là khi tuần tới có một loạt thống kê được công bố.

Trong đó, được quan tâm nhiều hơn cả sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Thị trường kỳ vọng số liệu này sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang.

Tâm điểm của tuần tới còn là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư. Giới đầu tư đang đặt cược gần như toàn bộ vào khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Dù đây là một bước nhảy lãi suất nhỏ hơn bước nhảy 0,75 điểm phần trăm mà Fed đã áp dụng trong 4 lần nâng liên tiếp vừa qua, thị trường đang lo lắng về việc liệu Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái.

Giám đốc đầu tư Stephanie Lang của Homrich Berg nhận định rằng nhà đầu tư vốn từ lâu mong mỏi Fed dịch chuyển khỏi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt, nhưng các dữ liệu kinh tế gần đây không thể hậu thuẫn mong đợi đó.

“Kỳ vọng của chúng tôi là lạm phát phải thực sự giảm gần về mức lãi suất của Fed thì Fed mới có thể tạm dừng tăng lãi suất được. Và chúng ta vẫn đang chứng kiến một khoảng cách khá lớn giữa các con số đó. Vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát”, bà Lang nói.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ họp vào tuần tới, và được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 2%, cho dù nền kinh tế châu Âu được cho là đã suy thoái rồi.

Giá dầu thô có thêm một phiên giao dịch nhiều biến động và kết thúc phiên, tuần trong trạng thái giảm, do mối lo nguy thoái kinh tế xung đột với rủi ro về gián đoạn nguồn cung.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,44 USD/thùng, còn 71,02 USD/thùng, mức đáy mới của năm 2022. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,05 USD/thùng, còn 76,1 USD/thùng.

“Bất kỳ mối lo nào về nguồn cung bây giờ cũng không căng thẳng bằng mối lo về nền kinh tế”, nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho nhận định.

Trong phiên, có lúc giá dầu tăng hơn 1% sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới có thể cắt giảm sản lượng để đáp trả trần giá mà phương Tây áp lên dầu thô Nga. Tuy nhiên, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, và nguy cơ kinh tế suy thoái vì lãi suất cao đã khiến giá dầu tụt giảm trở lại.

Cả tuần này, giá cả dầu WTI và dầu Brent cùng giảm hơn 10%, đánh đấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 đối với dầu WTI và kể từ đầu tháng 8 đối với giá dầu Brent.

Cả ông Yawger và nhà phân tích kỹ thuật Walter Zimmerman của ICAP đều cảnh báo rằng nếu giảm dưới 70 USD/thùng, giá dầu WTI có thể “rơi tự do” về ngưỡng thấp của vùng 60 USD/thùng trong những phiên sắp tới.

Về tình hình Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cho rằng số ca nhiễm Covid-19 tăng cao có thể gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng sắp tới, cho dù nước này đã nới lỏng chính sách chống dịch Zero Covid. Về Mỹ, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Reuters khảo sát dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nông và ngắn trong năm 2023.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-lai-tut-diem-gia-dau-tiep-tuc-truot-doc-428112.html