Mánh khóe vụ Nguyễn Thái Luyện lừa đảo hơn 4.300 bị hại

Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm trong thời gian ngắn đã lừa đảo, chiếm đoạt được hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 bị hại. Khó tin hơn, nhiều bị cáo chưa học hết lớp 12 nhưng được 'sắm vai' giám đốc, tổng giám đốc.

Tháng 5/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận ĐKKD cho Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) với mức vốn điều lệ 01 tỷ đồng. Hơn một năm sau, tháng 9/2017, vốn điều lệ được điều chỉnh tăng lên 1.600 tỷ đồng, gấp… 1.600 lần so với ban đầu.

Bắt đầu từ đây, các “chiêu trò” để “lùa gà” dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện được triển khai.

Luyện chỉ đạo thành lập 22 công ty trực thuộc hoạt động nhiều lĩnh vực (bất động sản, truyền thông, vận tải…), bổ nhiệm người thân trong gia đình (em trai, vợ…) đứng tên giám đốc điều hành.

Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm hầu tòa

Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm hầu tòa

Dùng một phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng, Luyện cho người thân, nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Sau đó, những cá nhân đứng tên lập “hợp đồng ủy quyền” cho các pháp nhân do Luyện thành lập để tự vẽ “dự án” không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản phân tích: Công ty Alibaba đã dùng thủ thuật “tự mua đi bán lại, ủy quyền” lòng vòng giữa các công ty do tự mình lập ra để tạo “pháp lý giả” của dự án, đồng thời tự ghi nguồn gốc đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài, sau đó dùng truyền thông nội bộ, mạng xã hội… để quảng cáo bán sản phẩm.

Tiếp theo, Luyện tiếp tục chỉ đạo các công ty con trong hệ thống 22 công ty do mình tự lập ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng.

Hàng nghìn nhà đầu tư trở thành bị hại của Nguyễn Thái Luyện

Hàng nghìn nhà đầu tư trở thành bị hại của Nguyễn Thái Luyện

Mục đích nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp, tạo giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản mà đồng ý mua.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm đã “vẽ” ra 58 dự án không có thật, thực hiện giao dịch, chuyển nhượng chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4316 bị hại.

Thủ đoạn “biến điều vô lý thành có lý"

Vì sao, những điều vô lý, những dự án "ma”, dự án trên giấy phân lô bán nền đất nông nghiệp… lại qua mặt được hàng nghìn nhà đầu tư, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay?

Luật sư Nguyễn Mạnh Hà phân tích: Nguyễn Thái Luyện đã tạo ra các “sản phẩm bất động sản ảo” là đất nông nghiệp phân lô trên giấy ở các xã thuộc các huyện, không phải ở các trung tâm, đô thị.

Tiếp đó, Công ty Alibaba “tung hỏa mù thông tin”, mua bán vòng vèo giữa các pháp nhân để tạo tính pháp lý giả. Điều này đánh vào tâm lý, các nhà đầu tư chỉ thấy các hợp đồng mua bán, giao dịch, ủy quyền… giữa các pháp nhân với nhau mà không tìm hiểu kỹ lưỡng, tường tận các giao dịch.

Ngoài ra, Luyện lợi dụng chủ trương “phân lô tách thửa” sau đó tổ chức đấu giá ở nhiều địa phương trong thời gian qua để người mua càng thêm mù mờ thông tin.

Ngoài ra, khách hàng mà Luyện hướng đến chủ yếu là những nhà đầu tư ở khu vực nông thôn, làng xã, ít va chạm, không có khả năng/cơ hội kiểm chứng thông tin. Họ bị bủa vây bởi những thông tin mà Luyện dùng mạng xã hội và truyền thông nội bộ để tung hỏa mù về các dự án "ma".

Điều này khiến nhiều bị hại, khi được triệu tập đến Tòa tham dự phiên xét xử, vẫn tin tưởng những dự án của Công ty Alibaba là có thực.

Nguyễn Thái Luyện - bị cáo cầm đầu đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ việc lập các dự án bất động sản "ma"

Nguyễn Thái Luyện - bị cáo cầm đầu đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ việc lập các dự án bất động sản "ma"

Điều mấu chốt nhất, theo luật sư Nguyễn Mạnh Hà, các nhà đầu tư hầu như chỉ nhìn vào lợi nhuận đạt được trong giai đoạn bất động sản đẩy giá lên cao bất thường để quyết định đầu tư mà không cần biết bất động sản đó có thật hay không.

“Có nghĩa là, khi Công ty Alibaba tạo được một thị trường ảo đủ nóng, bất động sản (chỉ tồn tại trên giấy) được coi là một loại hàng hóa - có thể mua đi bán lại với giá cao hơn, có lợi nhuận… nên sẽ có người đầu tư. Bất động sản không có thật của Alibaba trở thành một kênh đầu tư tài chính để thu lời ngắn hạn.

Chưa kể đến, Công ty Alibaba còn cam kết mua lại với giá cao hơn (30% sau 12 tháng; 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền) hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng, có nghĩa là nhà đầu tư chắc chắn luôn có lãi.

Với phương thức này, người mua không có cơ hội nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết bởi mọi người đều có tâm lý đầu tư kiếm lời, thanh khoản nhanh, cho nên họ không cần “nhìn mặt hàng” mà mình bỏ tiền ra mua.

Khi đến hạn, Công ty Alibaba đều chủ động chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo”, luật sư Hà phân tích.

Đó chính là lý do, nhiều nhà đầu tư là nông dân, trình độ có hạn, ít thông tin - họ đầu tư theo đám đông, thấy có lời là hùa theo. Nhiều người dốc hết tiền tiết kiệm cả đời, bán cả nhà cửa, đất đai lấy vốn để mua đất nền của Nguyễn Thái Luyện.

Link nội dung: https://biztoday.vn/manh-khoe-vu-nguyen-thai-luyen-lua-dao-hon-4300-bi-hai-431028.html