Kể từ tháng 6 vừa qua, những người góp vốn mua đất nền tại dự án này càng bức xúc hơn khi biết tin Công ty đấu giá hợp danh Bến Thành thông báo đấu giá các tài sản đảm bảo là khu đất của dự án để trả nợ cho các khoản vay tín dụng của ngân hàng. Tài sản thế chấp được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm hơn 252,8 tỷ đồng, trong đó Công ty Bách Giang đã ký 2 hợp đồng tín dụng với ngân hàng BIDV vào ngày 11/5/2007 và ngày 25/12/2012. Chỉ tính đến hết ngày 11/3/2022, dư nợ gốc hai khoản vay này vẫn còn gần 97,4 tỷ đồng và nợ lãi hơn 155,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Bách Giang còn dùng một phần đất tại dự án trên để làm tài sản bảo lãnh cho Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên vay tiền của ngân hàng. Cụ thể, ngày 11/5/2007 và ngày 25/12/2012, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên ký 2 hợp đồng tín dụng trung hạn để vay tiền từ BIDV. Đến hết ngày 11/3/2022, dư nợ của 2 khoản vay này cũng đã lên đến hơn 262 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc trên 100 tỷ và lãi phát sinh hơn 161,3 tỷ đồng.
Theo các hợp đồng tín dụng trên, tài sản bảo đảm khoản vay của Công Bách Giang là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất, gồm cả giá trị đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng và các chi phí đầu tư khác tại khu đất I, II, III và IV thuộc dự án. Với các khoản vay của Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên, tài sản đảm bảo là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất gồm cả giá trị đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và các chi phí đầu tư khác tại khu đất I5 và I7 có diện tích 68.514m2 của dự án.
Việc ngân hàng tiến hành phát mãi, bán đấu giá các khu đất tại dự án trên khiến những người dân đã mua đất tại đây như ngồi trên đống lửa. Nhiều người góp vốn mua nền đất liên tiếp có đơn cầu cứu tập thể gửi các cơ quan chức năng đề nghị nhanh chóng vào cuộc và có giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.
Để triển khai dự án trên, ngay từ tháng 1/2004, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định thu hồi 264.500m2 đất tại phường Phước Long A và tạm giao cho Công ty Bách Giang 274.774m2 đất, gồm 264.500m2 đất thu hồi, 7.731m2 đất mương cùng 2.543m2 đất đường giao thông. Mục đích giao đất là để Công ty Bách Giang bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính KDC khu phố 4, phường Phước Long A.
Tại quyết định này, ông Đua cũng yêu cầu sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính, Công ty Bách Giang phải bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND thành phố để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần.
Tại quyết định giao đất làm hạ tầng trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Đua cũng yêu cầu Công ty Bách Giang chịu trách nhiệm về nguồn vốn đầu tư. Ngày 31/3/2011, UBND quận 9 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án và ngày 21/11/2013, UBND quận 9 tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với phần diện tích 120.352m2 của dự án. Theo phản ánh của người dân, ngay sau đó đã có hàng trăm nền đất được chủ đầu tư bán cho người mua.
Một trong những nạn nhân của dự án này là bà Phí Thị Ngân, 71 tuổi và mẹ nay đã 98 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, đang phải sống lay lắt trong ngôi nhà tạm bợ được dựng bằng container tại dự án này. Bà Ngân cho hay, với mong muốn có một mái nhà để nuôi mẹ già những ngày cuối đời, năm 2015, bà lấy tiền tích góp cả đời và vay mượn để có 1,2 tỷ đồng đem góp vốn cho Công ty Bách Giang, số tiền này tương đương 70% giá trị nền đất bà cần mua. Sau 7 năm chưa nhận được nền, bà đã kêu cứu khắp nơi nhưng không ai giải quyết.
"Cả đời tôi phải đi ở trọ, gom góp được chút tiền hy vọng có nơi để ở, không ngờ số tiền đó có nguy cơ mất trắng. Nay già yếu, không có khả năng trả tiền trọ nữa nên tôi dắt mẹ già 98 tuổi về đây rồi mua một chiếc container dựng tại dự án để che mưa che nắng", bà Ngân than thở.
Cùng hoàn cảnh với bà Ngân, ông Trần Xuân Nguyên, cán bộ hưu trí, là thân nhân của 2 liệt sỹ nay phải đi ở nhờ nhà bà con. Năm 2014, khi vừa nghỉ hưu, ông Nguyên ký hợp đồng góp vốn, với mong muốn mua nền đất làm nhà ở, không ngờ hơn 70 tuổi ông còn phải đi ở nhờ vì rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy.
Không chỉ 2 trường hợp trên, hàng trăm người dân đã ký hợp đồng với Công ty Bách Giang và đã thanh toán đến 70% giá trị đất nền tại đây cũng chịu chung cảnh không nhận được nền đất gần chục năm nay. Trong số này, cũng có hàng chục hộ dân tự nguyện hiến đất cho chính quyền trước khi bàn giao cho dự án với hy vọng có một chỗ ở bằng hoặc tốt hơn trước khi tái định cư.
Có mặt tại dự án vào thời điểm này, ai cũng sẽ không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh mẹ con bà Phí sống tạm bợ trong căn nhà làm bằng container nóng như rang. Một số con đường ở dự án đã xuống cấp nham nhở, đất bị bỏ hoang khiến rác thải chất đống, nham nhở kim tiêm, ông chích của dân nghiện. Hình hài của một KDC hiện đại, văn minh không thấy đâu mà thay vào đó là sự nhếch nhác và ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến Dự án KDC trên, trong một văn bản trở lời Công ty Bách Giang vào năm 2019, ông Từ Quốc Học, Trưởng Khối giám sát và tuân thủ của BIDV đã khẳng định, tháng 4/2019, TAND quận Thủ Đức (cũ) đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của chủ đầu tư. Nhiều người mua nền cũng có đơn tố cáo dấu hiệu "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của chủ đầu tư KDC trên cùng một số cá nhân liên quan.
Đồng thời, trong một văn bản trả lời của UBND quận 9 cũ, cơ quan này cho rằng, chủ đầu tư đã vi phạm hàng loạt quy định khiến dự án không thể triển khai nhiều năm qua. Do đó, làm sao để bảo vệ người góp vốn mua nền, tránh để dự án trên trở thành điểm nóng khiếu kiện đông người là vấn đề cần sớm được cơ quan cấp phép cho triển khai dự án xem xét, giải quyết.
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-khu-dan-cu-bi-rao-ban-de-thu-no-hang-tram-nguoi-mua-dat-nen-keu-cuu-431132.html