Đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế

Sau dịch nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, lúc này rất nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. Chỉ riêng tín dụng không thể giải quyết được khó khăn thanh khoản nền kinh tế mà phải bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

 Việc bảo đảm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế - đây là nội dung chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ tới Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên đang có mức tăng trưởng tốt.

Cụ thể như tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng gần 11%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế. Công nghiệp hỗ trợ tăng gần 13%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 7%. Thủ tướng yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế.

Tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL" ngày 13/12. Thông tin tại hội nghị cho biết, đến đầu tháng 12/2022, các ngân hàng khu vực ĐBSCL đạt dư nợ trên 955.000 tỷ đồng, tăng 14%. Riêng tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15%. Kết quả này cho thấy dòng vốn tín dụng của ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay: "Cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng tháo gỡ khó khăn của 2 phía, cùng tạo điều kiện để hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn trong hoạt động kinh doanh của mình và đặc biệt có nguồn vốn giúp bà con nông dân trong vấn đề thi hoạch, tạm trữ, chế biến, xuất khẩu. Đây là những vấn đề rất quan trọng trong chuỗi sản xuất của nông dân và doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và rất trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với vùng ĐBSCL”.

Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này ở mức 12,2%, huy động vốn tăng khoảng 5,5%, nghĩa là nhu cầu vay thì rất lớn. Với các ngân hàng, bài toán lúc này là có dư địa để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh lượng tiền gửi giảm, nhu cầu rút tiền người dân cận Tết tăng tạo áp lực lên nguồn tiền để cho vay.

Lãi suất huy động chính là giá vốn của ngân hàng khi tính toán lãi suất cho vay và thường có mối quan hệ cùng chiều. Nghĩa là khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng ngân hàng mới có lãi. Nhưng hiện nay lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay giảm. Vì vậy, các tổ chức tín dụng, ngân hàng sẽ phải cân đối để mở rộng tín dụng vào thời điểm này.

Từ hồi tháng 5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng nhà nước sau đó đã thiết kế gói hỗ trợ lãi suất trị giá hơn 16.000 tỷ đồng cho năm nay. Tuy nhiên đến nay thì tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp.

Hiện có tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% và chính các ngân hàng cũng không khá chần chừ để giải ngân. Vậy khó ở đâu và cần tháo gỡ như thế nào? Chỉ riêng tín dụng thì không thể giải quyết được khó khăn thanh khoản của nền kinh tế, mà cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, cho biết: "Điều hành lãi suất không chỉ kiểm soát lạm phát mà còn giúp ngân hàng hoạt động bình thường. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bơm hút đảm bảo thanh khoản ngân hàng có điều kiện chi trả".

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kỳ hạn dài hơn, kể cả qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cho vay.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/dam-bao-cung-ung-von-tin-dung-cho-nen-kinh-te-431149.html