Các ngân hàng thương mại đã thống nhất giữ lãi suất huy động không quá 9,5%/năm, kể cả khuyến mại cộng lãi suất. Ảnh: Quỳnh Trang.
Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp bàn với các ngân hàng thương mại thành viên để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Một trong những nội dung được nhắc tới nhiều nhất tại cuộc họp là vấn đề lãi suất huy động tăng mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn nhất định về vốn khi tốc độ tăng trưởng vốn huy động chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt trong tháng 10-11, nhiều ngân hàng đã gặp khó khăn về thanh khoản nhất thời trong bối cảnh thị trường liên ngân hàng điều chỉnh.
Lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm
Nhờ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ, tỷ giá đã bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện.
Tuy vậy, theo ông Hùng, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng doanh nghiệp, cư dân) vẫn rất cao, phổ biến trong khoảng 9-10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó có một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất lên tới 11,5%/năm.
“Việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay”, lãnh đạo VNBA cho biết.
Trước tình hình này, ngày 7/12, VNBA đã có cuộc họp với các ngân hàng, kêu gọi thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống, đặc biệt trong những tháng cuối năm, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại đã kiến nghị NHNN nới tỷ lệ LDR để tạo dư địa cho vay giảm lãi suất. Ảnh: Hoàng Hà.
VNBA sau đó cũng đã có công văn báo cáo NHNN và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại liên quan vấn đề thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023 và thống nhất mức lãi suất huy động không quá 9,5%/năm.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết với 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung vừa qua căn cứ năng lực tài chính, tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-2%/năm.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng cũng thống nhất với mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5%/năm này và cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đề nghị NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), bỏ đấu thầu lãi suất với kỳ hạn 91 ngày, nới tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi... Các ngân hàng cũng kiến nghị NHNN có chế tài, quy định để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất, tránh tình trạng giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí.
Lý do lãi suất huy động chưa giảm
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết sau giai đoạn tăng liên tục vừa qua, hiện mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng đã tăng 3-4%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Theo báo cáo của VNBA, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động chưa có xu hướng giảm là một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng. Điều này xuất phát từ hiện tượng người dân thiếu niềm tin vào ngân hàng quy mô nhỏ nên chuyển sang gửi tiền ở các ngân hàng có vốn Nhà nước, chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản.
Bên cạnh đó, các giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua bị hạn chế, đều yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước. Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải thực hiện giao dịch tiền tệ có tài sản đảm bảo như giấy tờ có giá để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hàng ngày, tuy nhiên, khối lượng giấy tờ có giá sẵn có để phục vụ cho giao dịch trên không nhiều.
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN không để ngân hàng thương mại nào rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Ảnh: Minh Ngọc.
Theo VNBA, áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn (giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022 và giảm tiếp về 30% từ tháng 10/2023) khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động vốn trung, dài hạn lên cao hơn để đảm bảo tuân thủ quy định. Mặt khác, với tài khoản vốn chuyên dùng của khách hàng, là nguồn tiền ổn định nhưng không được tính vào tổng tiền gửi trong công thức tính tỷ lệ LDR.
Ngoài ra, việc các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng thiếu thông tin lẫn nhau khiến ở một số thời điểm ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản và phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo chỉ tiêu này.
Với thực trạng trên, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định các ngân hàng giảm lãi suất huy động, cho vay theo quy mô và tiềm lực là để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua công cụ OMO, cho vay tái cấp vốn, mua bán ngoại tệ hoán đổi.
''Giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về năng lực tài chính, không để ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Ngược lại, cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân'', Phó thống đốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định không để ngân hàng nào, kể cả ngân hàng nhỏ, rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Theo đó, chính sách tiền tệ hiện nay đảm bảo cung ứng vốn, thanh khoản, đồng thời kiểm soát lạm phát cho cả giai đoạn 2022-2023.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ngan-hang-thong-nhat-lai-suat-huy-dong-khong-qua-95nam-431625.html