Hoàn thiện quy định về quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Tài chính, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; như vậy các căn cứ làm cơ sở ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường đã được thay thế bằng các văn bản pháp quy mới ban hành.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí, bảo vệ môi trường đất. Các nội dung, quy định tại các văn bản nêu trên có nội dung thay đổi so với nội dung quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC.

Hoàn thiện quy định về quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường - Ảnh 1 Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về "Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương" bao gồm:

Thứ nhất, quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải, cụ thể: Điều tra, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường quy mô liên tỉnh, liên vùng; lập danh mục chất thải; xây dựng tiêu chí về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải thuộc trách nhiệm của trung ương.

Thứ hai, xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường, bao gồm: Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, gồm: khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất trong chiến tranh; khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực đất bị ô nhiễm khác thuộc trách nhiệm xử lý của trung ương; xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt sông, hồ liên tỉnh.

Thứ ba, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường; quan trắc môi trường, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị thay thế; duy trì, vận hành trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của trung ương.

Thứ tư, kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc trách nhiệm của trung ương và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Thứ năm, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm: Điều tra, khảo sát, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; xác lập, thẩm định và công nhận di sản thiên nhiên; hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ môi trường các khu di sản thiên nhiên thuộc trách nhiệm của trung ương; xây dựng kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu;

Thứ sáu, truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, bao gồm: Truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức và trao giải thưởng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng theo quy định của pháp luật;

Thứ bảy, hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, bao gồm: Ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone; vốn đối ứng chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn viện trợ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, trong các hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ của trung ương theo quy định của pháp luật, bao gồm: Xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường cấp quốc gia; hoạt động của Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định.

Link nội dung: https://biztoday.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-quan-ly-kinh-phi-su-nghiep-bao-ve-moi-truong-432230.html