Lãng phí đất đai nghiêm trọng tại tỉnh Bình Thuận: Hàng chục hộ dân khốn khổ vì dự án 'treo'

Hơn 30 hộ dân ở làng chài ven biển thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết phải sống chật vật trong những căn nhà chật hẹp, hư hỏng, không có các điều kiện sống tối thiểu… chỉ vì dự án 'treo'.

Mòn mỏi chờ “sổ đỏ”

Những hộ dân khốn khổ vì dự án King Sea Phan Thiết khiến họ không thể làm chủ được ngôi nhà, miếng đất của mình.

Những hộ dân khốn khổ vì dự án King Sea Phan Thiết khiến họ không thể làm chủ được ngôi nhà, miếng đất của mình.

Làng chài ven biển tại xóm 5 (thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) hình thành từ sau giải phóng năm 1975. Người dân nơi đây mấy đời sống bằng nghề đi biển, đánh bắt hải sản mưu sinh. Những mảnh đất họ khai hoang, gìn giữ trải qua nhiều thế hệ, tuy nhiên công cuộc đi chứng minh tài sản của mình gặp nhiều khó khăn, trắc trở bởi một dự án treo gần 20 năm mang tên khu du lịch Hố Lở (Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết).

Theo phản ánh của 30 hộ dân, kể từ khi dự án King Sea Phan Thiết được phê duyệt, đến nay dự án chưa hề có dấu hiệu triển khai. Người dân nơi đây cũng rơi vào cảnh sống chật vật trong những căn nhà chật hẹp, hư hỏng, không thể sửa chữa. Dù dự án được chấp thuận đầu tư từ những năm 2005 nhưng đến nay nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa thấy chủ đầu tư bàn câu chuyện hỗ trợ đền bù.

Vợ chồng ông Đỗ Ngọc Anh ở xóm 5, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết mòn mỏi chờ đợi được cấp "sổ đỏ" suốt 30 năm qua.

Vợ chồng ông Đỗ Ngọc Anh ở xóm 5, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết mòn mỏi chờ đợi được cấp "sổ đỏ" suốt 30 năm qua.

Ông Đỗ Ngọc Anh (SN 1940) cho biết: “Từ năm 1975 đến năm 1980, người dân chúng tôi tới đây ở để làm rừng, đi biển, làm ăn sinh sống. Đến năm 2001 thì có thôn trưởng tới tập trung dân, báo sẽ có Công ty TNHH Đại Thanh Quang (chủ đầu tư) về đây triển khai dự án. Chúng tôi là người dân làm ăn lao động, cũng không hiểu nhiều về dự án hay công ty nào, chúng tôi chưa từng thấy người của Công ty TNHH Đại Thanh Quang đến bàn bạc với dân”.

“Người dân chúng tôi rất khổ, vì đất đai nhà cửa nằm trong quy hoạch dự án nên toàn bộ 31 hộ dân ở đây đều không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa. Chúng tôi mỏi mòn chờ từ năm này qua năm khác mà không biết kêu ai”, ông Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Anh, năm nào cán bộ xã xuống thu thuế đất, người dân đều đóng và hoàn thành nghĩa vụ đầy đủ cho Nhà nước. Vậy tại sao người dân nơi đây lại không được làm sổ đỏ để khẳng định tài sản chủ quyền của mình?

Thông báo, biên lai đóng tiền thuế đất hàng năm của người dân.

Thông báo, biên lai đóng tiền thuế đất hàng năm của người dân.

Ông Châu Sáu (SN 1966) cũng cho biết, nhiều năm nay người dân mong chờ cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho người dân về chỗ ăn ở, đường đi lối lại. Từ khi dự án King Sea xuất hiện khiến gia đình ông và những hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn, khổ cực.

Ông Nguyễn Văn Thảo (1965), người có 2,2 ha đất nằm trong dự án cho biết: “Từ khi Công ty TNHH Đại Thanh Quang lập dự án đến nay, gần 20 năm, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân tại đây vẫn chưa nhận được tiền đền bù”.

Xác định rõ nguồn gốc đất của người dân

Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất gây lãng phí nghiêm trọng.

Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất gây lãng phí nghiêm trọng.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã nhận đơn tố giác về tội phạm của ông Nguyễn Văn Thảo. Nội dung ông Thảo tố cáo lãnh đạo Công ty TNHH Đại Thanh Quang có hành vi giả mạo giấy tờ, hồ sơ đất, để chiếm đoạt thửa đất có diện tích 17.500 m2 tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành của ông.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã tiến hành giải quyết tin báo tố giác tội phạm nêu trên, phân công Phó Thủ trưởng, điều tra viên giải quyết, xác minh.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, năm 1988 bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1920, ngụ TP Phan Thiết) mua lại thửa đất có diện tích khoảng 17.000m2 ha tại dốc CamPuChia (thuộc thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) của ông Nguyễn Văn Cam (SN 1929) với số tiền 400.000 đồng. Hai bên mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương. Mảnh đất này được gia đình bà Huệ canh tác đến tháng 6.2004 thì bán lại cho ông Nguyễn Văn Thảo với số tiền 520 triệu đồng nhưng hai bên chỉ làm giấy tờ tay.

Sau đó ông Thảo canh tác trồng cây keo, cây ăn trái và khai phá thêm hơn 4.700m2, nâng tổng diện tích thửa đất lên 22.000m2. Ông Thảo đi đăng ký địa chính TP Phan Thiết đã xác lập bản đồ đủ tiêu chuẩn cấp GCNQSDĐ.

Tuy nhiên, ngày 24.3.2005, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 672/QĐ-UBBT về việc thu hồi 456.000 m2 đất tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang thuê 450.410 m2.

Ngày 30.05.2005, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có quyết định số 1324/QĐ-UBND về việc thu hồi 109.643m2 đất tại xã Tiến Thành, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang thuê 61.239 m2 trong tổng số diện tích đất thu hồi.

Thửa đất của ông Nguyễn Văn Thảo mua lại của bà Nguyễn Thị Huệ nằm trong diện tích đất Công ty TNHH Đại Thanh Quang được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép xây dựng khu du lịch King Sea nên chưa được cấp GCNQSDĐ.

Ông Nguyễn Văn Thảo có 2,2 ha đất nằm trong dự án khu du lịch King Sea được xem xét cấp GCNQSDD năm 2004, tuy nhiên do dự án treo ông vẫn chưa nhận được hỗ trợ đền bù gì.

Ông Nguyễn Văn Thảo có 2,2 ha đất nằm trong dự án khu du lịch King Sea được xem xét cấp GCNQSDD năm 2004, tuy nhiên do dự án treo ông vẫn chưa nhận được hỗ trợ đền bù gì.

Riêng giấy sang nhượng thửa đất giữa ông Phan Thanh (SN 1954, ngụ TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Huệ có diện tích 17.500m2 tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết vào ngày 23.10.2009 (bản phô tô, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) do ông Nguyễn Văn Thảo cung cấp cho Cơ quan điều tra. Hiện nay ông Phan Thanh và bà Nguyễn Thị Huệ đã chết. Cơ quan CSĐT không làm việc được, nên không xác định được có hay không có việc sang nhượng đất giữa 2 bên. Ông Phạm Văn Vinh (con trai bà Huệ) khai xác nhận bà Huệ có bán diện tích đất trên cho ông Nguyễn Văn Thảo, còn lại bà Huệ không bán cho ai khác.

Xét thấy không có sự việc phạm tội xảy ra và đây chỉ là giao dịch dân sự nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời yêu cầu nếu hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường, ông Nguyễn Văn Thảo khởi kiện dân sự đến TAND để được giải quyết.

Mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên Môi trường đã có kết luận kiểm tra về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xác định, việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, thời gian thực hiện dự án kéo dài (xin được đất xong bỏ trống, không đầu tư xây dựng công trình trên đất, nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng trên 10 năm) không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí nghiêm trọng.

Kết luận của Tổng cục Quản lý đất đai xác định Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang có nhiều sai phạm như không đưa đất vào sử dụng, không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, nhân dân và dự án thuộc diện phải thu hồi. Việc để xảy ra tình trạng dự án kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân trách nhiệm thuộc về UBND cấp huyện, cấp xã chưa chủ động, tích cực thực hiện theo thẩm quyền trong việc kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý các vi phạm đối với các dự án chậm.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/lang-phi-dat-dai-nghiem-trong-tai-tinh-binh-thuan-hang-chuc-ho-dan-khon-kho-vi-du-an-treo-432429.html