Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp. Ảnh: Reuters. |
Áp lực bán tháo vẫn đè nặng lên các chỉ số chứng khoán của Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 281,76 điểm, tương đương 0,85%, còn 32.920,46.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ giảm lần lượt 43,38 điểm (1,11%) và 105,11 điểm (0,95%). Đây là tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp của Phố Wall.
Chỉ số S&P 500 giảm 2,08% so với phiên cuối tuần trước và 5,58% so với một năm trước đó. Mức giảm tuần của Dow Jones và Nasdaq lần lượt là 1,7% và 2,7%.
Biến động mạnh
Thị trường biến động dữ dội trong phiên giao dịch cuối tuần với một lượng lớn hợp đồng quyền chọn đến ngày đáo hạn. Theo Goldman Sachs, 2.600 tỷ USD quyền chọn liên quan đến các chỉ số chứng khoán sắp hết hạn, mức cao nhất trong gần 2 năm so với quy mô thị trường chứng khoán.
Trong phiên 16/12, chỉ số Dow Jones có lúc giảm tới 547,63 điểm. Đà bán tháo lan trên diện rộng. Tại Sở giao dịch chứng khoán New York, cứ 3 mã giảm mới có một mã tăng.
Dẫn đầu đà giảm là nhóm ngành bất động sản (gần 3%) và hàng tiêu dùng thiết yếu (1,7%).
Giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - cũng đã mất mốc 17.000 USD/đồng. Còn giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm gần 3% xuống dưới ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng.
Tại Sở giao dịch chứng khoán New York trong phiên kết thúc tuần, cứ 3 mã chứng khoán giảm mới có một mã tăng. Ảnh: Reuters. |
"Chứng khoán Mỹ lao dốc vì nỗi sợ đang bao trùm Phố Wall. Tuần qua, các ngân hàng trung ương đã phát đi tín hiệu vẫn giữ lập trường 'diều hâu', và khu vực tư nhân đang giảm tốc mạnh mẽ", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích.
"Rủi ro suy thoái đã tăng lên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo về 'sự gia tăng liên tục' của lãi suất", ông nói thêm.
Theo dữ liệu được S&P Global công bố hôm 16/12, PMI (chỉ số quản lý thu mua) theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đã giảm từ 46,4 điểm vào tháng 11 xuống 44,6 điểm trong tháng này.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp chỉ số này trượt về vùng suy giảm, tức dưới 50 điểm.
Nỗi sợ suy thoái lại bao trùm
Trong cuộc họp chính sách tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Đây là điều đã được đa số nhà đầu tư dự đoán từ trước. Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Đáng nói, trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, chủ tịch Fed nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
Với những tuyên bố cứng rắn của Fed đối với việc hạ nhiệt lạm phát, hy vọng về một cuộc "tiếp đất nhẹ nhàng" của nền kinh tế dường như đã vơi bớt phần nào
Bà Kim Forrest - người sáng lập Bokeh Capital
Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024.
Theo dot plot - biểu đồ thể hiện kỳ vọng lãi suất của từng thành viên FOMC, mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng được dự đoán là 5,1%, tương đương phạm vi mục tiêu 5-5,25%.
Tuyên bố chính sách của FOMC gần như không thay đổi so với cuộc họp tháng 11. Trước đó, giới quan sát cho rằng Fed sẽ thay đổi cụm từ "sự gia tăng liên tục" trong lãi suất thành một cụm từ bớt quyết liệt hơn.
"Vào đầu tuần, chúng tôi đã hy vọng rằng với mức tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 11 thấp hơn dự kiến, Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sẽ 'lỏng tay' hơn", bà Kim Forrest - người sáng lập Bokeh Capital - bình luận.
"Nhưng với những tuyên bố cứng rắn của Fed đối với việc hạ nhiệt lạm phát, hy vọng về một cuộc 'tiếp đất nhẹ nhàng' của nền kinh tế dường như đã vơi bớt phần nào", bà nói thêm.
Link nội dung: https://biztoday.vn/pho-wall-chao-dao-432524.html