Kịch bản nào cho chứng khoán Việt năm 2023?

Sang năm 2023, thị trường chứng khoán được cho là tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài từ những dư âm 2022. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, thị trường vẫn sẽ có những cơ hội lớn với những rủi ro và tích cực đan xen.

Năm 2022 là năm của những biến động mạnh tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt. Đó là xung đột Nga - Ukraine, FED tăng lãi suất, Trung Quốc đóng cửa duy trì chính sách Zero-Covid…cho đến diễn biến trong nước là các vụ án kinh tế, khủng hoảng trên thị trường trái phiếu, chính sách tiền tệ thắt chặt, tỷ giá USD/VND tăng kỷ lục… khiến niềm tin vào TTCK Việt của nhà đầu tư ngày càng giảm sút.

Gam màu tối vẫn mang tính chủ đạo?

Kéo theo đó, VN-Index đã lao từ đỉnh 1536.24 điểm (phiên 07/01/2022) đến đáy 873.78 điểm (phiên 16/11/2022), tương đương mức giảm 43%, với nhiều phiên giảm kỉ lục 70 - 80 điểm. Trong đó, VN-Index đã có tổng cộng 38 phiên tăng/giảm từ 2% trở lên, nhiều hơn một phiên so với năm 2018 – giai đoạn thị trường có nhiều biến động mạnh khi VN-Index trở lại đỉnh 1.200 điểm sau nhiều năm chờ đợi nhưng không giữ được thành quả sau đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2022 đã trở thành năm có số phiên VN-Index tăng/giảm từ 2% trở lên nhiều nhất kể từ 2009, dù vẫn còn 2 tuần giao dịch để “cứu vãn” chút ít phong độ.

-4994-1671441057.jpg

“Trong nguy có cơ”, thị trường vẫn sẽ có những cơ hội lớn với những rủi ro và tích cực đan xen. (Ảnh: Int)

Dù thị trường giảm cả về điểm số và thanh khoản, song nhờ dòng tiền phân hóa và luân chuyển, rất nhiều cơ hội đầu tư vẫn được ghi nhận trong suốt cả năm. Đáng chú ý, những tháng cuối năm 2022, dòng vốn ngoại liên tục đổ vào thị trường, cùng với đó là nhiều thông tin vĩ mô tích cực hơn: FED giảm tốc độ tăng lãi suất, lãi suất và tỷ giá VND đều hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng liên tục bơm tiền qua kênh OMO để hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng đón Tết. Nhờ đó, tâm lý nhà đầu tư Việt Nam lại được thắp lên hy vọng trong những ngày cuối năm 2022.

Tuy nhiên, sang đến năm 2023, giới phân tích nhận định, gam màu tối vẫn mang tính chủ đạo trong toàn thể bức tranh TTCK Việt, nhất là khi hàng loạt thử thách vẫn chờ đón trong 6 tháng đầu năm có thể đánh gục sức khỏe tài chính và tinh thần vốn đang suy yếu của nhiều doanh nghiệp cũng như ngành nghề, nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.

Có thể kể đến như CPI Mỹ vẫn ở mức cao, FED vẫn sẽ tăng lãi suất, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực, quá trình tái cấu trúc thị trường trái phiếu và bất động sản kéo dài, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, hoạt động xuất khẩu suy giảm và khó khăn trên thị trường việc làm…

Đưa ra đánh giá về kịch bản thị trường, Chứng khoán ACBS cho rằng, trong kịch bản cơ bản, VN-Index đi ngang trong 1 - 3 tháng, tích lũy thu hút lực cầu từ các thành phần khác trên thị trường với đòn bẩy là nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tạo đáy tại biên độ từ 1.000 – 1.150 điểm (có thể nới rộng đến 1.200 điểm).

Với kịch bản tích cực, VN-Index điều chỉnh bởi áp lực chốt lời tăng dần để về hỗ trợ ngắn 1.030 điểm. Sau đó tiếp tục sóng tăng ngắn hạn với pha tăng điểm kháng cự tại đỉnh có nền giá 1.300 điểm.

Trong nguy có cơ

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định "trong nguy có cơ", bởi trong những phiên thị trường giảm mạnh do tin xấu lại chính là những cơ hội tuyệt vời để tích lũy cho tương lai gặt hái thành quả.

Cơ hội có thể đến từ những gam màu tối kể trên có những nét sáng chấm phá trong nửa cuối 2023, khi tình hình vĩ mô được cải thiện, lợi nhuận doanh nghiệp cũng chạm đáy đi lên, và tâm lý thị trường đã không còn phản ứng tiêu cực với tin xấu.

Hay như cơ hội còn có thể đến từ những gam màu sáng của việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại, thúc đẩy du lịch và là lực đẩy lớn cho dòng vốn vào các quốc gia mới nổi bao gồm Việt Nam, hoặc các động thái nới room tín dụng, nới room sở hữu nước ngoài của ngân hàng, tăng cường giải ngân đầu tư công...

“Những gì đã tác động xấu đến chứng khoán khi biến mất sẽ thành tin tốt cho thị trường. Kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ khởi sắc hơn do tín hiệu rủi ro đang suy giảm như giá xăng dầu thế giới đã giảm hơn 30% về mức trước xung đột; Trung Quốc đang nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 và chính sách lãi suất của Fed gần chạm đỉnh”, ông Võ Văn Minh, Giám đốc ACBS chi nhánh Cách Mạng Tháng Tám phân tích.

Mặt khác, TTCK cũng sẽ có thể khởi sắc hơn trong năm 2023 khi P/E chỉ ở mức 10 lần – giá thời khủng hoảng như 2012 – 2020. Đồng thời, Chính phủ đang quyết tâm đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế bằng những mục tiêu rõ ràng như: nâng hạng thị trường lên mới nổi vào năm 2025 và nâng mức xếp hạng tín nhiệm “Đầu tư” từ BA3 lên BA2 (Moody’s) vào năm 2030.

Cho nên, để chuẩn bị cho một năm 2023 với những rủi ro và cơ hội đan xen, nhà đầu tư cần chiến lược thận trọng nhưng linh hoạt, nhất là không thể thiếu tâm lý đầu tư vững vàng và kỉ luật. Thường xuyên theo dõi các yếu tố vĩ mô, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, các điều kiện trên thị trường tài chính - chứng khoán cũng như luôn sẵn sàng một danh mục theo dõi bao gồm các ngành nghề tiềm năng nhất, các doanh nghiệp có sức bật mạnh nhất là điều kiện quan trọng để nắm bắt được các cơ hội đầu tư của năm 2023.

Các ngành được đánh giá cao trong 2023 tiếp tục là các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng cao nhờ sự hồi phục của kinh tế (tiêu dùng, bán lẻ, dịch vụ lữ hành…) và các nhóm ngành mang tính phòng thủ, trả cổ tức cao như tiện ích công (điện, nước), bảo hiểm, bất động sản khu công nghiệp…

Bên cạnh đó, câu chuyện đầu tư công đang được thực hiện quyết liệt, cho nên nhóm này chắc chắn được hưởng lợi, các cổ phiếu nên quan sát nằm trong nhóm vật liệu.

Ngoài ra, Việt Nam là nước có lợi thế về nông - lâm - thủy sản, nhưng tính chu kỳ của nhóm này chỉ khoảng 6 tháng đến một năm nên nhà đầu tư cần chú ý thêm. Đơn cử như trong thời gian qua, nhóm lương thực tăng đột biến nên nhóm gạo cũng được hưởng lợi.

Link nội dung: https://biztoday.vn/kich-ban-nao-cho-chung-khoan-viet-nam-2023-434001.html