Âm vốn 1,2 tỷ USD, vẫn “ôm” trăm tỷ cho vay
Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (Tập đoàn Bamboo Capital) có tốc độ tăng trưởng mạnh về nợ. Tại ngày 30/9/2022, nợ phải trả của Bamboo Capital lên đến 30.118 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Bamboo Capital phải tăng cường vay nợ và phát hành trái phiếu. Chính vì vậy, áp lực trả lãi vay là rất lớn, lên tới 996 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022. Con số này thậm chí còn cao hơn lợi nhuận sau thuế (885 tỷ đồng).
Nợ vay góp phần khiến cho Bamboo Capital âm nặng dòng tiền. Bấp chấp phải đi vay nợ, từ đó gây áp lực không nhỏ cho dòng tiền, Bamboo Capital vẫn “ôm” hàng trăm tỷ đồng cho vay.
Tại ngày 30/9/2022, Bamboo Capital ghi nhận 302 tỷ đồng phải thu về cho vay giảm sâu so với con số 703 tỷ đồng hồi đầu năm 2022.
Các đơn vị có tên trong danh sách vay nợ Bamboo Capital là Công ty cổ phần Green Solution (hơn 115 tỷ đồng), Công ty cổ phần Mega Solar (35,6 tỷ đồng). Trước đó, hồi đầu năm 2022, Công ty cổ phần Năng lượng Hanwha – BCG Băng Dương nợ Bamboo Capital 53,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý công ty ghi nhận nợ xấu lên đến 102 tỷ đồng. Đó là tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi. Bamboo Capital phải dành 90,2 tỷ đồng trích lập dự phòng.
“Con nợ” âm vốn có cổ phần của ông Nguyễn Hồ Nam
Công ty cổ phần Green Solution thành lập ngày 15/10/212 tại tòa nhà WinHome 91-93 đường số 5, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính là “Quảng cáo”. Công ty có người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thanh Hiền. Cổ đông sáng lập có công ty CP Bamboo Capital (10% vốn điều lệ), ông Nguyễn Hồ Nam (20% vốn điều lệ).
Green Solution là công ty có quy mô vốn hóa nhỏ. Tại ngày 17/2/2017, vốn điều lệ công ty tăng từ 2 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thua lỗ 3,2 tỷ đồng trong năm 2017 nên Green Solution ghi nhận vốn chủ sở hữu chỉ còn 36,8 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017.
Sau đó, chuỗi ngày “bi thảm” của Green Solution đã bắt đầu. Năm 2018, Green Solution đạt doanh thu 3,6 tỷ đồng nhưng lại thua lỗ tới 219 tỷ đồng. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 182 tỷ đồng.
Bước sang năm 2019, doanh thu Green Solution vọt lên 199 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1 tỷ đồng nên công ty vẫn âm vốn 181 tỷ đồng. 2020, doanh thu “rơi” xuống chỉ còn 16,5 tỷ đồng, từ đó lợi nhuận teo tóp còn gần 59 tỷ đồng. Vì thế, vốn chủ sở hữu vẫn duy trì ở mức âm 181 tỷ đồng.
2021 còn “xấu” hơn khi doanh thu “rơi tự do” xuống chỉ còn 0 đồng. Lợi nhuận mà công ty gặt hái được vẫn rất khiêm tốn, chỉ 127 triệu đồng. Thế nên, tại ngày 31/12/2021, Green Solution “chốt” âm vốn chủ sở hữu vẫn là 181 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, năm 2022, Bamboo Capital tăng số tiền cho vay với Green Solution từ 65,3 tỷ đồng lên hơn 115 tỷ đồng.
“Con nợ” thua lỗ triền miên
Một “con nợ” khác của Bamboo Capital là Công ty cổ phần Mega Solar (35,6 tỷ đồng). Giao dịch này cũng “khó hiểu” như việc Tập đoàn cho Green Solution âm vốn 181 tỷ đồng vay 115 tỷ đồng.
Công ty Mega Solar thành lập ngày 10/4/2020 tại số 41 Nguyễn Cơ Thạch, phường Thành Nhất, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với ngành nghề kinh doanh chính là “Lắp đặt hệ thống xây dựng khác”. Công ty có người đại diện pháp luật là ông Phạm Minh Tuấn.
Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần BCG Energy (sở hữu 51% vốn điều lệ công ty), ông Lê Thanh Tùng (sở hữu 10% vốn), ông Nguyễn Mạnh Chiến (sở hữu 5% vốn), ông Nguyễn Hồ Nam (sở hữu 2,5% vốn), ông Phạm Minh Tuấn (sở hữu 5%) vốn, Nguyễn Như Hường (sở hữu 29% vốn).
Ông Nguyễn Hồ Nam là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Capital, đồng thời là người đứng đầu hệ sinh thái Bamboo Capital.
Tuy nhiên, tại ngày 31/12/2020, Mega Solar ghi nhận doanh thu 0 đồng và lỗ 82,7 triệu đồng nên công ty âm vốn chủ sở hữu 82,7 tỷ đồng. Bước sang năm 2021, vốn chủ sở hữu Mega Solar vọt lên 364 tỷ đồng nhưng doanh thu vẫn là 0 đồng và công ty lỗ thêm 72,2 tỷ đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bamboo-capital-om-tien-cho-cong-ty-am-von-co-co-phan-cua-ong-nguyen-ho-nam-vay-434002.html