Kỳ vọng lợi nhuận quý 4 tích cực, chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng mạnh

“Cổ phiếu đã bán quá nhiều (oversold) trong mấy ngày trước và tôi cho rằng thị trường đang tìm một cái cớ để tăng. Những con số mà Nike và FedEx đưa ra đã mang lại một cái cớ như vậy"...

chung-khoan-my-1671675168.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (21/12), đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp, sau khi hai báo cáo kết quả kinh doanh khả quan làm dấy lên hy vọng rằng lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể sẽ tốt hơn dự báo ngay cả khi có suy thoái kinh tế xảy ra. Giá dầu thô cũng tăng mạnh nhờ báo cáo thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 526,74 điểm, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 33.376,48 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 1,49%, chốt ở 3.878,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,54%, chốt ở 10.709,37 điểm.

“Cổ phiếu đã bán quá nhiều (oversold) trong mấy ngày trước và tôi cho rằng thị trường đang tìm một cái cớ để tăng. Những con số mà Nike và FedEx đưa ra đã mang lại một cái cớ như vậy. Tuy nhiên, câu hỏi thực sự của tôi là liệu đây có phải là một đợt tăng bền vững hay không”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.

Cổ phiếu Nike tăng 12% sau khi hãng thời trang thể thao công bố  doanh thu và lợi nhuận quý tốt hơn và mức tồn kho giảm nhanh hơn kỳ vọng của Phố Wall. Kết quả kinh doanh của Nike đã trở thành một cú huých cho các cổ phiếu bán lẻ khác.

Cổ phiếu FedEx tăng 3,4% sau khi hãng vận tải khổng lồ báo mức lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) vượt dự báo và đưa ra một loạt biện pháp nhằm cắt giảm chi phí.

Nike và FedEx là hai trong số những doanh nghiệp được cho là “hàn thử biểu” của nền kinh tế.

Nhà đầu tư còn hào hứng khi đón nhận dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng tháng 12, với chỉ số đạt mức cao nhất kể từ tháng 4.

Năm 2022 đang dần khép lại, và các chỉ số chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất năm giảm mạnh nhất kể từ 2008 và chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp. Trong đó, Dow Jones đã giảm 8,15% từ đầu năm và giảm 3,51% trong tháng 12 này; S&P 500 giảm tương ứng 18,63% và 4,94%; Nasdaq giảm 31,55% và 6,62%. Nguồn áp lực giảm chính đối với chứng khoán Mỹ năm nay là lãi suất tăng và nỗi lo xảy ra suy thoái kinh tế.

Trước kỳ nghỉ Giáng sinh, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm báo cáo kết quả kinh doanh quý của các công ty niêm yết.

“Chúng ta đang chứng kiến sự tăng điểm trên diện rộng. Đó là nhờ nhận định lạc quan của các doanh nghiệp và sự cải thiện của niềm tin người tiêu dùng”, chiến lược gia Angelo Kourkafas của Edward Jones nói với hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, số liệu công bố ngày thứ Tư cũng cho thấy doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 11 ở Mỹ giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang hứng chịu ảnh hưởng của lãi suất tăng. Nhưng dữ liệu này cũng làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm trở nên mềm mỏng hơn trong chính sách tiền tệ.

“Đây là một môi trường vĩ mô có sự suy yếu của nền kinh tế, nhưng cũng là một môi trường mà các công ty vẫn giữ được sự vững vàng và đạt được kỳ vọng tích cực về lợi nhuận. Sự kết hợp đó sẽ tốt cho thị trường”, Giám đốc đầu tư Brian Price của Commonwealth Financial Network phát biểu.

“Vẫn còn đó nhiều bấp bênh và thị trường sẽ còn biến động nhiều trong khoảng thời gian đầu năm tới, khi nền kinh tế có thể rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ”, ông Kourkafas của Edward Jones nói, nhưng tin rằng sự suy yếu của nền kinh tế đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu. “Chúng ta vẫn sẽ gặp một số trở ngại phía trước, nhưng có lẽ thị trường sẽ không phải ánh hai lần một cuộc suy thoái kinh tế. Những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm nay đã phản ánh một cuộ suy thoái nhẹ rồi”.

Giá dầu thô Brent giao sau ở London tăng 2,21 USD/thùng, tương đương tăng 2,76%, đạt 82,2 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,06 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, chốt ở 78,29 USD/thùng.

Dầu thô tăng giá sau khi dữ liệu hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này giảm 5,89 triệu thùng, mức giảm lớn hơn nhiều so với con số giảm 1,66 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

“Báo cáo này rất có lợi cho giá dầu, nhất là việc tồn kho dầu thô và các sản phẩm chưng cất cùng giảm, chấm dứt chuỗi tuần tăng trước khi diễn ra đợt lạnh này”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng thêm một số hạn chế chống Covid sau khi không có ca tử vong mới nào do Covid được báo cáo. Theo Reuters, nhập khẩu dầu thô Nga vào Trung Quốc trong tháng 11 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu Nga trước khi trần giá mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp lên dầu Nga và lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) cùng chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia ngày thứ Ba nói rằng động thái cắt giảm sản lượng dầu của liên minh OPEC+, một quyết định bị chỉ trích nặng nề, hoá ra lại là một quyết định đúng. Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nói rằng phát biểu này là một tín hiệu cho thấy OPEC+ có thể sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung dầu.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.

Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu bị hạn chế vì một trận bão tuyết lớn sắp xuất hiện ở Mỹ, có thể gây suy giảm nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.

Trong một diễn biến khác, xuất khẩu dầu thô Nga trong thời gian từ ngày 1-20/12 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh ảnh hưởng từ lệnh cấm vận dầu Nga của EU - theo nhật báo Kommersant.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ky-vong-loi-nhuan-quy-4-tich-cuc-chung-khoan-my-va-gia-dau-dong-loat-tang-manh-435131.html