Cơ sở xử lý dầu tại mỏ Vankorskoye thuộc sở hữu của tập đoàn Rosneft ở phía bắc tỉnh Krasnoyarsk, Nga. (Nguồn: Reuters)
Để vận chuyển nhiều dầu thô hơn cho những nước hiện là khách hàng lớn nhất mua dầu Nga trên thị trường thay thế châu Âu và để không bị mất lợi nhuận, Moscow đã đề xuất hợp tác với New Delhi để đóng mới hoặc cho thuê tàu chở dầu cỡ lớn nhằm lách qua lệnh cấm dầu của Liên minh châu Âu (EU).
Sở hữu các phương tiện vận chuyển riêng, bao gồm cả vận chuyển đường biển, là điều cần thiết trong thực tế mới.
Mức trần giá dầu có hiệu lực từ ngày 5/12 mà EU, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã quyết định áp trần giá dầu Nga.
Những tàu chở dầu “tàng hình”
Các thương nhân Trung Quốc vẫn làm việc như bình thường, các nhà máy lọc dầu tư nhân (nhóm này còn được biết đến với tên gọi teapot) đã mua các lô dầu ESPO của Nga để giao hàng từ tháng 12 đến tháng 1 và tăng chiết khấu so với dầu Brent. Số lượng giao dịch tiếp tục tăng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kể từ tháng 2, lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng hơn 36 lần - từ 30.000 lên 1,08 triệu thùng/ngày - và thậm chí vượt Trung Quốc (830.000 thùng/ngày). Tổng lưu lượng nhiên liệu đến châu Á đã tăng gấp ba lần lên 2,5 triệu thùng.
Một phần ba tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga được vận chuyển từ các cảng của nước này bằng những tàu chở dầu “tàng hình” trên bản đồ định vị.
Kết quả là, theo S&P Global Commodities at Sea, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 68% xuất khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển.
Các nhà phân tích nhận định: “Những người khổng lồ châu Á đã 'nuốt chửng' gần như hoàn toàn các thùng dầu dành cho châu Âu”.
Theo lệnh áp giá trần dầu Nga do G7 đưa ra, tàu chở dầu thô của Nga không được phép hưởng các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển, đồng thời, sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp 45 ngày áp dụng cho tàu chở dầu Nga bốc hàng trước ngày 5/12 và dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng trước ngày 19/1/2023.
Ngoài ra, theo các nguồn tin trong ngành, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã ký trước các hợp đồng với khối lượng thậm chí còn lớn hơn để đề phòng những tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh: “Chúng tôi không yêu cầu các công ty của mình phải mua dầu thô chính từ nước Nga. Chúng tôi yêu cầu họ tập trung vào ưu đãi tốt nhất hiện có”.
Tuy nhiên, các hành trình vận chuyển dầu từ Nga trở nên phức tạp hơn nhiều, dẫn đến giá cước vận tải tăng lên.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings chỉ ra rằng: “Cần phải thay đổi hành trình vận chuyển khoảng một nửa trong số hai triệu thùng dầu mỗi ngày. Tình trạng thiếu tàu chở dầu là không thể tránh khỏi”.
Ông Leonid Khazanov, chuyên gia công nghiệp độc lập giải thích: “Dầu thô của Nga được xuất khẩu chủ yếu trên các tàu chở dầu nước ngoài. Theo biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 5/12, tàu chở dầu thô Nga không được các công ty của phương Tây cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Kết quả là cả chủ hàng và người tiêu dùng đang đối mặt nhiều rủi ro. Nếu tàu chở dầu gặp sự cố, không ai sẽ bồi thường thiệt hại”.
Thị trường dầu mỏ bị phân mảnh
Theo ông Dmitry Adamidov, nhà phân tích độc lập trong lĩnh vực hậu cần, trong trường hợp này có thể nói về “những ý định nghiêm túc” và hợp đồng dài hạn.
Nhà phân tích này nói: “Thị trường dầu mỏ sẽ ngày càng bị phân mảnh. Việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ bằng cách ấn định khối lượng và có thể là giá cả (ví dụ như một phần của hợp đồng mua bán trao đổi hàng hóa) là điều hợp lý.
Trong điều kiện này, việc sở hữu đội tàu của riêng mình không chỉ là điều thích đáng mà thậm chí cần thiết. Dự án này sẽ được thực hiện như thế nào - với chi phí của Ấn Độ, Nga hay trên cơ sở ngang giá, vẫn còn khó nói”.
Chuyên gia Leonid Khazanov nói thêm rằng, Moscow đang cung cấp dầu thô cho châu Á với giá rất tốt, nên người Ấn Độ hoàn toàn có thể chi trả các chi phí thuê và bảo hiểm tàu nước ngoài.
Ông Khazanov nhận xét: “Hoặc để họ đặt hàng đóng tàu chở dầu công suất lớn tại các nhà máy đóng tàu của Nga. Tất nhiên, những dự án đóng tàu không thể được thực hiện nhanh chóng, nhưng, bằng cách này hai bên có thể giảm sự phụ thuộc vào các nhà khai thác hậu cần quốc tế. Cũng có thể tạo ra một nhà điều hành chung với đội tàu chở dầu riêng. Các nhà sáng lập sẽ là các công ty dầu mỏ của Nga và các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ”.
Hiệu quả là, trong mọi trường hợp, New Delhi sẽ tiếp tục mua bao nhiêu dầu tùy thích, kể cả với mức giá cao hơn mức giá trần do G7 đặt ra, cộng với sự độc lập hoàn toàn khỏi các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và vận tải của phương Tây.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chau-a-dang-nuot-chung-hau-het-cac-thung-dau-nga-danh-cho-chau-au-435311.html