Tóm lược thị trường lao động Việt Nam 2022

Lao động chi phí thấp tại Việt Nam là một thỏi nam châm hút các nhà sản xuất nước ngoài. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, thị trường lao động Việt đang thay đổi. Để giải phóng hoàn toàn tiềm năng của thị trường lao động, các doanh nghiệp cần thực sự hiểu được những thay đổi ấy.

Trong hai năm đại dịch, tình trạng nguồn nhân lực Việt Nam đã thay đổi liên tục, đặt ra vô số những thách thức cho người lao động và sinh kế của họ. Tuy vậy, cho đến nay, bản chất hỗn loạn của thị trường lao động dường như đã phần nào ổn đinh trở lại.

Một trong những thay đổi lớn nhất của thị trường lao động trong năm 2022 là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 60 tuổi 6 tháng và tuổi nghỉ hưu của nữ lên 55 tuổi 8 tháng. Quy định này đã góp phần làm tăng số lượng người trong độ tuổi lao động chính thức của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), tính đến tháng 10 năm 2022, số người Việt Nam trong độ tuổi lao động là 51,9 triệu người, trong đó có 50,5 triệu người có việc làm. Theo thống kê trên, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 2,3%, tương đương với tỷ lệ thất nghiệp trước COVID-19, và giảm rõ rệt so với tỷ lệ 3,9% vào năm 2021. Trong đó, vào tháng 10/2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam là 26,3%.

Việt Nam đang ở vào 'thời kỳ dân số vàng', với hơn 70% dân số thuộc độ tuổi lao động. Người ta ước tính rằng đến khoảng năm 2038, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc, khi tỷ lệ dân số trên 60 tuổi chiếm đến 20% dân số. Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó, lực lượng lao động trẻ vẫn là động lực lớn cho sự phát triển quốc gia.

Thế đảo ngược của lực lượng lao động sản xuất

Trong năm 2022, cả người sử dụng lao động và người lao động trong lĩnh vực sản xuất đều đối mặt với hàng loạt những thách thức, khó khăn.

Đầu năm 2022, nhiều nhà máy phải giải quyết những đơn hàng tồn đọng từ những đợt phong tỏa do COVID-19 vào năm 2021. Trong khi đó, nhiều công nhân nhà máy không muốn quay trở lại làm việc tại các thành phố lớn.

Tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ diễn ra trong thời gian ngắn vào đầu năm, nhưng lại đảo ngược vào cuối năm, khi Việt Nam thừa công nhân nhưng không đủ đơn hàng. Điều này diễn ra phần lớn là do sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tình trạng lạm phát gia tăng ở các thị trường trọng điểm Châu Âu và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua.

Trong tháng 10, S&P Global ghi nhận chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm xuống mức 50,6 điểm (giảm 1,9 điểm so với tháng 9), tuy vượt mức 50 điểm hòa vốn nhưng không nhiều. Điều này được phản ánh trong những đơn đặt hàng thấp hơn dự kiến vào cuối năm nay, chủ yếu là trong lĩnh vực dệt may. Trong đó, một số nhà máy đã sa thải công nhân và một số thậm chí đã đóng cửa hoàn toàn.

Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê vẫn ghi nhận sự tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Trong quý 3, số người lao động được thuê mới tăng 156.000 người so với quý 2 năm 2022, nâng tổng số người lao động trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam lên gần 12 triệu người.

Điệp khúc thiếu nhân lực qua đào tạo ngành du lịch

Du lịch và khách sạn có lẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Do tình trạng đóng cửa biên giới kéo dài, trong thời gian qua, nhiều lao động đã rời bỏ ngành du lịch vĩnh viễn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong năm 2020, các doanh nghiệp du lịch đã cắt giảm tới 70-80% lực lượng lao động và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2021.

Vào ngày 15 tháng 5 năm nay, biên giới Việt Nam đã mở cửa trở lại và mặc dù lượng khách nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng tăng lên, ngành du lịch vẫn đang vật lộn để có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động.

Ví dụ, vào tháng 10 năm nay, báo Tuổi Trẻ đưa tin đảo Phú Quốc thiếu hụt khoảng 40% lực lượng lao động cần thiết, trong khi đó thành phố biển Đà Nẵng cần thêm 55.000 nhân sự để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Mặc dù tình hình thiếu hụt lao động có trình độ ngành du lịch đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19, đây không phải là tình trạng mới của ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo, trước đại dịch, ngành du lịch chỉ có 42% lao động được đào tạo, hơn 38% chuyển từ các ngành khác sang và 20% còn lại làm việc trong ngành mà không được đào tạo gì.

Ngành công nghệ thông tin thiếu đến 1/3 lao động chất lượng cao

Trong đại dịch, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường khởi nghiệp tích cực nhất ở Đông Nam Á.

Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ tay nghề cao ở các nước Đông Nam Á đã tạo ra làn sóng đầu tư lớn trong khu vực. Và không nằm ngoài xu hướng đó, năm 2021, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được tổng vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức kỷ lục 874 triệu USD vào năm 2019, theo báo cáo chung của Do Ventures và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).

Trong khi đó, theo cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2022 của Adecco, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần đến 530.000 lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành thiếu đến 150.000 lao động như vậy trong cùng thời kỳ. Theo dự báo của Adecco, năm 2024, ngành công nghệ thông tin cũng sẽ thiếu khoảng 195.000 nhân lực so với nhu cầu của thị trường.

Tóm lược

Thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch. Tuy vậy, trong nguy có cơ. Thứ nhất, tình trạng dư thừa lao động trong lĩnh vực sản xuất, khiến cho việc tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn. Thứ hai, tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực CNTT có thể thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nguồn nhân lực tập trung nhiều hơn vào hoạt động đào tạo kỹ năng.

Điều quan trọng là các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người lao động cần phải nhận diện, và tập trung quản lý hiệu quả những rủi ro và cơ hội trong tình hình đó. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/tom-luoc-thi-truong-lao-dong-viet-nam-2022-437634.html