Thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng điểm vào nửa cuối của tháng 12, đặc biệt là tuần cuối cùng sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Lý do cụ thể của đợt tăng điểm có tính chu kỳ này vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhưng các nhà đầu tư đã quen gọi đây là việc “ông già Noel phát quà” dịp cuối năm.
Năm 2022, nhà đầu tư Mỹ rất cần được “phát quà”. So với đầu tháng 12, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 6%, trái ngược với xu hướng tích cực của tháng cuối các năm trước. Các cổ phiếu lớn như Tesla, Amazon, ... đồng loạt tụt dốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số chung.
S&P 500 hiện thấp hơn khoảng 19,3% so với đầu năm 2022 và đang trên đà ghi nhận năm tiêu cực nhất kể từ 2008.
Dữ liệu lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán vẫn có khả năng tương đối cao sẽ giảm bớt những mất mát kể trên. CFRA Research cho biết xác suất chứng khoán Mỹ đi lên trong 5 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12 và hai phiên đầu tháng 1 là khoảng 75%.
Các nguyên nhân giải thích cho đợt tăng điểm Giáng sinh bao gồm thanh khoản thấp, bán lỗ cổ phiếu để tránh thuế và nhiều người đầu tư tiền thưởng vừa nhận được.
Nếu đợt tăng điểm Giáng sinh năm nay diễn ra như thường lệ thì phiên thứ Sáu tuần trước (23/12) là ngày bắt đầu. Ngày thứ Hai (26/12), thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa để nghỉ bù lễ Giáng sinh.
Theo Stock Trader's Almanac, S&P 500 đi lên trung bình 1,3% trong các đợt “tăng điểm Giáng sinh” kể từ năm 1969. Dữ liệu của LPL Financial từ năm 1950 cho thấy năm nào không có đợt “tăng điểm Giáng sinh” thì năm sau đó thị trường cũng diễn biến tiêu cực hơn thường lệ.
Cụ thể, từ 1950 đến 2021, S&P 500 tăng bình quân 10,9% mỗi năm. Khi một năm không tăng điểm vào dịp Giáng sinh, chỉ số S&P 500 chỉ tăng bình quân 4,1% vào năm sau đó.
Ngoài ra, S&P 500 thường chỉ tăng trung bình 0,3% vào tháng 1 sau khi ông già Noel không phát quà, so với mức đi lên bình quân 1,3% vào tháng 1 sau đợt tăng điểm Giáng sinh.
“Ông già Noel không đến có nghĩa là trên thị trường có vấn đề gì đó gây ra sự mập mờ hoặc một trở ngại mà nhà đầu tư phải vượt qua. Tâm lý tiêu cực sẽ không thay đổi khi năm cũ chuyển qua năm mới”, Reuters dẫn lời ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, nhận định.
Việc các chỉ số chứng khoán tụt dốc trong tháng 12 cho thấy xu hướng biến động theo mùa năm nay đã bị triệt tiêu bởi những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ quá mức, dẫn tới suy thoái.
Số liệu của Truist Advisory Services cho thấy trong các tháng 12 từ 1950 tới nay, S&P 500 chỉ giảm 18 lần. Trung bình, chỉ số đại diện thị trường này tăng 1,6% trong các tháng 12, cao nhất trong các tháng của năm và gấp hơn hai lần mức trung bình 0,7%, theo CFRA.
Tháng 12/2022 nhiều khả năng sẽ là một ngoại lệ. Theo báo cáo ngày 23/12 của Bank of America, nhà đầu tư cá nhân bán ròng gần 42 tỷ USD trong một tuần tính đến ngày 21/12, mức cao kỷ lục lịch sử.
Các chiến lược gia tại DataTrek cho rằng việc thị trường không tăng điểm trong những tuần cuối năm 2022 báo hiệu một năm 2023 không mấy tốt đẹp cho giá cổ phiếu.
Tuần tới không có nhiều báo cáo số liệu kinh tế và thanh khoản thị trường được dự báo sẽ tụt dốc xuống gần mức thấp nhất năm khi nhiều nhà đầu tư nghỉ tết sớm.
Biến động của thị trường sẽ bị chi phối bởi diễn biến của lạm phát: Liệu đà tăng giá cả có hạ nhiệt và cho phép Fed dừng nâng lãi suất sớm hơn dự kiến hay không?
Link nội dung: https://biztoday.vn/nha-dau-tu-my-trong-doi-ong-gia-noel-phat-qua-trong-tuan-cuoi-nam-437976.html