Đến nay có nhiều báo cáo về mức độ nguy hiểm của biến chủng mới ở Nam Phi.
Từ trước tới nay người ta vẫn nói "khi con người tạo ra cái bẫy chuột tinh xảo thì tự nhiên sẽ tạo ra con chuột thông minh hơn".
Đây là quy luật của tự nhiên và nền tảng của thuyết tiến hóa khiến vạn vật trên thế giới luôn phải đấu tranh để tồn tại.
Khi đại dịch Covid-19 kéo dài, virus vẫn tồn tại ở nhiều nơi và trong cơ thể của nhiều người thì chúng vẫn còn "cơ hội" để tiếp tục tiến hóa tạo ra các chủng khác nguy hiểm hơn.
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Cho đến nay dù đã có hơn 4 ngàn chủng đột biến đã được nhận diện bởi các nhà khoa học nhưng may mắn là các chủng này vẫn còn nằm trong "vòng kiểm soát", kể cả chủng đột biến mới ở Anh, dù rằng đột biến N501Y trên protein S của chủng này làm cho chúng có thể làm tăng tốc độ lây lan lên đến 50-70% so với chủng cũ.
Chủng đột biến mới phát hiện ở Nam Phi, tên là SARS-CoV-2 501Y.V2, được xem đã "vượt ra khỏi tầm kiểm soát" hiện nay của con người và chứa đựng nguy cơ mang lại một đại dịch mới.
Báo cáo khoa học mới đây của nhóm nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy rằng chủng này có nhiều sự thay đổi trên protein S, protein quan trọng đóng vai trò trong việc lây nhiễm của virus:
Thứ nhất, ở vùng N của protein S có chứa 4 đột biến làm thay đổi amino acid (L18F, D80A, D215G và R246I) và 1 đột biến mất đoạn (Δ242-244).
Thứ hai, ở vùng bám lên thụ thể tế bào người (Receptor Binding Domain, RBD) có chứa 3 đột biến làm thay đổi amino acid (K417N, E484K và N501Y).
Các đột biến trên đã làm thay đổi cấu trúc của protein S một cách "nguy hiểm" cho con người chúng ta.
Trong các thí nghiệm được thực hiện để kiểm tra độ trung hòa của kháng thể và virus thì cho thấy chủng đột biến mới này "không còn được nhận biết" bởi các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) được dùng trước đó để bám lên protein S và thậm chí hỗn hợp kháng thể đa dòng (polyclonal antibodies) trong huyết tương của người đã từng nhiễm chủng cũ trước đó cũng khó mà nhận diện được nó.
Khi protein S của chủng đột biến mới này không còn được nhận diện bởi các kháng thể trên thì khả năng chủng mới này có thể tái nhiễm lên người đã nhiễm chủng cũ là có thể dự đoán được và nguy hiểm hơn nữa là nó có thể làm cho các vaccine đang được sử dụng khẩn cấp hiện nay trở nên vô dụng.
Hiệu quả của vaccine
Mới đây, công ty Moderna vừa công bố một nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Vắc xin (VRC) tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID), thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Nghiên cứu sử dụng huyết tương (serum) của người tham gia thử nghiệm lâm sàng của Moderna. Máu của những người này được lấy sau 7 ngày họ chích liều thứ 2 của vaccine Covid-19. Thí nghiệm khảo sát khả năng trung hòa "virus SARS-CoV-2 giả" (pseudovirus) bằng huyết tương của các người tình nguyện trên.
Kết quả cho thấy rằng, hiệu quả trung hòa virus đối với chủng biến thể ở Anh (B.1.1.7) không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, chủng biến thể ở Nam Phi (B.1.351) đã làm giảm hiệu quả này ít nhất là 6 lần.
Mặc dù kết quả cho thấy hiệu quả trung hòa bị giảm ở chủng Nam Phi nhưng vẫn còn nằm trong ngưỡng bảo vệ. Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh rằng thí nghiệm này cũng nên khảo sát lại trên chủng virus thật để có kết quả chính xác hơn (it will be important to substantiate these results by testing the B.1.351 variant in a live virus neutralization assay).
Trong thông báo trên trang web của Moderna cũng đưa ra nhận định rằng "Sự giảm hiệu quả trung hòa virus có thể cho thấy nguy cơ tiềm ẩn làm suy giảm khả năng miễn dịch sớm hơn đối với các chủng B.1.351 mới.
Do vậy, trong kế hoạch sắp tới của họ có thể là tăng cường thêm các liều vaccine bổ sung (booster vaccine), trong đó có thể sử dụng liều vaccine mang kháng nguyên mới của chủng biến thể Nam Phi với tên là mRNA-1273.351 (351 là mã số cho chủng biến thể Nam Phi).
Vậy là cho đến nay đã có nhiều nhóm độc lập chứng minh cho thấy đã bắt đầu xuất hiện chủng mới với những thay đổi về "đặc điểm nhận diện" trên protein S, protein quan trọng đóng vai trò trong việc lây nhiễm của virus khiến cho tình hình đại dịch có thể phức tạp hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 3 "chân kiềng" quan trọng ứng phó với biến chủng virus SARS_CoV-2 mới
Link nội dung: https://biztoday.vn/tien-si-viet-tai-my-bien-chung-sars-cov-2-moi-o-nam-phi-nguy-hiem-the-nao-43930.html